TP.HCM cần cơ chế đột phá trong khai thác, sử dụng đất đai
Tại hội thảo "Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM" diễn ra ngày 7/4, nhiều ý kiến cho rằng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cần cơ chế đột phá trong khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cho biết, các công văn và công tác quản lý đất đai, đô thị TP.HCM thời gian vừa qua bên cạnh những điểm sáng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, những góp ý và hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần tạo ra cơ chế đột phá trong khai thác và đảm bảo sử dụng hiệu quả đất đai cho sự phát triển bền vững, lâu dài của TP.HCM.
“Nếu có cách tiếp cận đúng trong quản lý, phân bổ, khai thác sử dụng đất đai hiệu quả sẽ là động lực to lớn cho sự phát triển bền vững, tạo ra sự ổn định về mặt xã hội, đóng góp kinh tế”, ông Mãi cho biết.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM mong muốn được lắng nghe góp ý từ hội thảo để nhận diện đúng vấn đề. Ảnh: Thiện Thông |
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng cơ sở lý luận chung về chuyển dịch đất đai trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất các kiến nghị về chuyển dịch đất đai trong dự thảo Luật Đất đai. Đồng thời, tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có các quy định về đất dành cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Quân cho rằng, Luật Đất đai 2013 đã giúp hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội trong quá trình áp dụng Luật Đất đai 2013 đã cho thấy những điểm không còn phù hợp của pháp luật đất đai so với thực tiễn, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các vấn đề khác.
“Do đó, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự điều chỉnh các quy định trong Luật Đất đai để gỡ bỏ các vướng mắc pháp lý, đồng thời giúp phát huy các nguồn lực từ đất đai. Ngoài ra, việc xem xét và sửa đổi các quy định của Luật Đất đai cũng cần được chú trọng để khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định xã hội và tạo động lực cho thị trường bất động sản, trong đó có thị trường đất đai, trở thành kênh phân bổ và khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả”, ông Quân cho biết.
Ban chủ trì buổi thảo luận tại Hội thảo "cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM". Ảnh: Minh Tuấn |
Phát biểu tại Hội thảo, ThS.NCS Trương Trọng Hiếu (Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu ra các kiến nghị chính sách đột phá cho TP.HCM được gợi mở từ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, ông đề xuất lựa chọn TP.HCM là địa phương thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ông đánh giá việc xây dựng và hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung rất quan trọng, song cũng là thách thức trong nhiều năm qua.
Ông Hiếu cho biết thị trường bất động sản ở nước ta hoạt động chưa thật sự chính quy. Ngoài ra, pháp luật đến nay chưa có định chế và cơ chế để truy nhận thông tin về giá đất trên thị trường, ngoại trừ dữ liệu về giá giao dịch mà cơ quan thuế đang quản lý. Đây là hai lý do tạo nên điểm nghẽn ở khâu hình thành dữ liệu về giá đất.
Một số biện pháp được kiến nghị như: đưa ra quy định và cả chế tài để buộc các bên có liên quan cung cấp thông tin về đất đai, đặc biệt là giá đất của các giao dịch; quy định trách nhiệm của các đơn vị, bao gồm cơ quan thuế và tổ chức kinh doanh bất động sản xuất thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu quốc gia; phân bổ ngân sách và tài chính phù hợp để xúc tiến và triển khai các hoạt động này…
Ngoài ra, ông Hiểu cũng kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở ra một số quy định ngoại lệ cho các địa phương đang hoạt động theo mô hình đặc thù. Cụ thể, đối với nội dung quy định về thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong vấn đề đất đai, dự thảo cần đề cập tình huống cơ quan này có thể ủy quyền, trao quyền hoặc phân quyền lại cho chính quyền thành phố thuộc thành phố để TP.HCM được ủy quyền lại cho thành phố Thủ Đức.
Trong khi đó, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, Nhà nước chỉ đóng vai trò quyết định và thực hiện việc chuyển dịch bắt buộc thông qua cơ chế thu hồi đất đối với các dự án vì an ninh quốc gia, lợi ích công cộng định nghĩa theo nghĩa hẹp.
Trong cơ chế chuyển dịch tự nguyện và cả cơ chế chuyển dịch bắt buộc, cần ghi nhận thủ tục yêu cầu tòa án xem xét quyết định thu hồi cũng như giá cả bồi thường. Ngoài ra, trong quy hoạch tổng thể sử dụng đất cần bổ sung thêm phần quy hoạch đất có khả năng chuyển dịch, từ đó xác định rõ giới hạn của chuyển dịch đất đai trong từng giai đoạn và đối với từng khu vực.