Tổng kho dự trữ xăng dầu hàng nghìn tỷ ở TP.HCM bị bỏ hoang
Công trình hiện rơi vào tình trạng bỏ hoang gần 3 năm nay, nhiều hạng mục xây dựng dở dang đang xuống cấp trầm trọng, sắt thép, bồn chứa, cầu cảng hoen gỉ...
Công trình Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Khu kho này có sức chứa 450.000 m3, do Công ty cổ phần Kho cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam đầu tư xây dựng với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên trong công trình, nhiều hạng mục đang xuống cấp, cỏ dại phủ kín toàn bộ dự án.
Tại khu vực thi công cầu cảng, chỉ còn một bảo vệ trông coi toàn bộ công trình. Nguyên vật liệu, thiết bị thi công dự án bắt đầu xuống cấp sau thời gian dài dừng dự án.
Khu vực nhà bảo vệ nằm ngay cổng dự án bị cỏ dại xâm lấn lên giường ngủ và bàn làm việc.
Hạng mục chân đế bồn chứa hơn 30.000 m3 xăng dầu thi công dở dang, sau đó bị bỏ hoang nhiều năm tại công trình.
Nhiều máy móc, thiết bị phục vụ công trình Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Hàng trăm tấm tôn dùng để thi công hạng mục bồn chứa xăng dầu bị cỏ dại phủ kín, hoen gỉ dưới nắng mưa.
Hệ thống cầu cảng cũng rơi vào tình trạng hoang tàn.
Đại diện chủ đầu tư cho biết trước đó, đơn vị đã thi công được 70% cầu cảng, vật tư thiết bị chuẩn bị xây dựng cho kho chứa 230.000 m3 đạt 80%. Tuy nhiên, do vướng nợ xấu nên đến nay phải tạm ngưng toàn bộ công trình.
Ông Trần Sỹ Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam, cho biết nếu được giải quyết sớm về nguồn vốn, tổng kho và cảng sẽ được thi công đưa vào sử dụng trước tháng 12/2023 với sức chứa 230.000 m3 xăng dầu. Sau đó, đơn vị sẽ tiếp tục thi công hoàn thành toàn bộ tổng kho chứa 450.000 m3 xăng dầu vào tháng 6/2024.
Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè là công trình cơ khí trọng điểm, được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô, xăng dầu với quy mô hàng trăm nghìn m3. Khi hoàn thành dự án, sẽ đảm bảo dự trữ đủ lượng xăng dầu tiêu thụ cho TP.HCM trong khoảng 45 ngày và cả khu vực phía Nam khoảng 16 ngày.