A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toan tính của Triều Tiên khi phóng thử tên lửa liên tiếp

Chuyên gia nhận định những đợt thử tên lửa liên tục gần đây của Triều Tiên dường như có 3 mục đích chính, bao gồm để "mặc cả" với Mỹ nhằm đạt nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế.

Trao đổi với Zing, Carl Schuster - cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - cho rằng có 3 lý do khiến Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa vào thời điểm này.

"Đầu tiên, Triều Tiên cho rằng phản ứng từ cộng đồng quốc tế sẽ chứng minh với người dân nước này rằng Bình Nhưỡng là cường quốc mà các đối thủ không thể phớt lờ", ông Schuster cho hay.

Ngoài ra, vị chuyên gia còn cho rằng động thái này từ phía Triều Tiên là nhằm dò xét phản ứng từ Mỹ, cũng như gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ và Nhật Bản. Dẫu vậy, ông cũng đề cập tới khả năng Triều Tiên thực hiện loạt phóng với mong muốn cải tiến vũ khí và tiến hành thử nghiệm khi thời tiết phù hợp.

Tuy nhiên, "giống như mọi hành động khác từ Triều Tiên, quyết định về thời điểm phóng thử dựa trên các cân nhắc về lợi ích chính trị hơn là yếu tố kỹ thuật", ông Schuster kết luận.

Ông Carl Schuster là cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, và hiện tại là giảng viên của Đại học Hawaii Pacific, Mỹ. Ảnh: Staradvertiser.

Ông Carl Schuster là cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, và hiện tại là giảng viên của Đại học Hawaii Pacific, Mỹ. Ảnh: Staradvertiser

Trong thời gian gần đây, Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa.

Gần đây nhất vào ngày 14/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Theo Reuters, đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 41 trong năm nay và là lần thử vũ khí thứ 9 của Triều Tiên trong gần 3 tuần qua.

Cũng trong ngày 14/10, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) phát hiện Triều Tiên bắn khoảng 130 loạt pháo vào biển Hoàng Hải từ Majang-dong, tỉnh Hwanghae, theo Yonhap.

Sau đó, Bình Nhưỡng tiếp tục bắn khoảng 40 phát pháo vào biển Đông Hải (Nhật gọi là biển Nhật Bản) từ Gueup-ri, tỉnh Gangwon.

Loạt pháo kích đổ bộ vào các "vùng đệm" gần Đường giới hạn phía Bắc - biên giới biển liên Triều được phân định theo Thỏa thuận quân sự toàn diện của hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018 (CMA).

Vào ngày 18/10, Triều Tiên bắn khoảng 100 quả đạn pháo vào Hoàng Hải và 150 loạt khác vào Đông Hải (Nhật gọi là biển Nhật Bản).

Động thái của Triều Tiên kéo theo mối lo ngại Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Toan tính của Triều Tiên

Theo nhận định của ông Schuster, ông Kim Jong Un lãnh đạo Triều Tiên dựa trên 2 nguyên tắc. Bên cạnh việc đem đến sự bảo vệ và khen thưởng đối với bộ máy của mình, ông Kim cũng muốn duy trì hình ảnh trong nước nhằm thể hiện Triều Tiên có vai trò lớn trên trường quốc tế và khu vực, có khả năng đánh bại mọi đối thủ.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Triều Tiên cũng trở nên tự tin hơn nhờ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, trong khi Mỹ đang dồn sự chú ý tới xung đột Ukraine.

"Hai nước này đã phản đối việc Mỹ kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Mỹ cùng đồng minh cũng đang tập trung vào chiến sự Ukraine", ông nói.

Với suy nghĩ đó, ông Schuster cho rằng Triều Tiên có 3 mục đích khi liên tục thử vũ khí trong thời gian gần đây. Đầu tiên, nước này tin phản ứng từ cộng đồng quốc tế với loạt vụ thử sẽ chứng minh với người dân rằng Bình Nhưỡng là cường quốc mà các đối thủ không thể phớt lờ, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Triều Tiên đang dò xét phản ứng từ chính quyền Mỹ - điều nước này vẫn thường làm. Ông viện dẫn những đợt thử vũ khí hồi năm 2017, cho biết mục đích của chúng là dò xét thái độ từ chính quyền tổng thống khi đó là Donald Trump.

Động thái của Bình Nhưỡng đã thu hút phản ứng mạnh mẽ vào thời điểm đó, và đã có những gợi ý đàm phán nhằm trì hoãn nước này phóng thử thêm, ông cho biết.

Ông Carl Schuster đồng tình với quan điểm Triều Tiên muốn sử dụng năng lực hạt nhân và tên lửa như "lá bài" để mặc cả với Mỹ cùng các đồng minh nhằm có được nhượng bộ về mặt ngoại giao cũng như kinh tế.

"Triều Tiên muốn dùng các mối đe dọa quân sự để thu hút chú ý, phô diễn sức mạnh và cuối cùng là nhằm lôi kéo Mỹ vào bàn đàm phán về viện trợ kinh tế, tài chính và lương thực", ông nói.

Tên lửa phóng tại một địa điểm không xác định do KCNA công bố hôm 10/10.

Tên lửa phóng tại một địa điểm không xác định do KCNA công bố hôm 10/10

Theo ông, Mỹ đưa ra những lời mời gọi đó với hy vọng chúng sẽ ảnh hưởng đến Triều Tiên. "Tuy nhiên, phương án này chỉ có tác động trong một thời gian ngắn, và Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành những hành động khác, cho đến khi nước này nghĩ mình có thể né lệnh trừng phạt hoặc hy vọng Mỹ sẽ nhượng bộ thêm", ông cho hay.

Bên cạnh đó, qua động thái tăng tốc thử vũ khí, Triều Tiên muốn gửi một thông điệp tới Mỹ và Nhật Bản.

"Triều Tiên muốn gửi tín hiệu chiến lược tới Mỹ và Nhật Bản rằng nước này có thể đưa cả cả hai vào tầm ngắm nếu muốn", ông chia sẻ với Zing.

Bên cạnh đó, ông Kim Jong Un từng tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, KCNA đưa tin hôm 9/9. Về vấn đề này, ông Schuster cho rằng Triều Tiên có nhận định như vậy là bởi nếu như không có vũ khí hạt nhân, nước này sẽ dễ bị tấn công.

Cuối cùng, Triều Tiên đang nỗ lực cải tiến vũ khí và cần phải tiến hành thử nghiệm khi thời tiết phù hợp, ông nhận định. Tuy vậy, ông Schuster cho rằng giống như mọi hành động khác từ Triều Tiên, quyết định về thời điểm phóng thử dựa trên các cân nhắc về lợi ích chính trị hơn là yếu tố kỹ thuật.

Bình luận về hình ảnh ông Kim Jong Un bất ngờ xuất hiện trong loạt ảnh giám sát tên lửa do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố, ông Schuster coi đó là một thông điệp cho nội bộ.

"Điều này nhằm thể hiện ông Kim là người phụ trách và là cá nhân đứng đằng sau sự phát triển quân sự của đất nước, đặc biệt là các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân", ông nhận định.

Hôm 13/10, KCNA công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp theo dõi vụ thử tên lửa hành trình tầm xa trước đó một ngày của quân đội nước này. Bên cạnh ông Kim, các thành viên của quân ủy trung ương Triều Tiên cũng tới theo dõi cuộc thử nghiệm.

Theo truyền thông Triều Tiên, ông Kim đã tỏ ra rất hài lòng sau khi tên lửa được thử thành công. Theo nhà lãnh đạo này, lực lượng hạt nhân Triều Tiên đã chứng tỏ sự chuẩn bị cho cuộc chiến thực sự, cũng như khả năng đáp trả trước "bất cứ hệ thống vũ khí nào".

Ông Kim cũng khẳng định Triều Tiên sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển lực lượng hạt nhân của đất nước.

Ông Kim giám sát phóng thử tên lửa. Ảnh: KCNA.

Ông Kim giám sát phóng thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Trong khi đó, phát biểu hôm 14/10, Phó đô đốc Karl Thomas - chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ - nhận định cuộc tập trận hải quân gần đây giữa Seoul và Washington, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ, có thể phần nào kích động những động thái gần đây của Triều Tiên.

"Tôi cho rằng sau nhiều năm không hoạt động ở biển Nhật Bản và đến thăm Hàn Quốc vì một vài lý do, việc chúng tôi xuất hiện ở khu vực đã có vẻ đã phần nào chọc giận ông ấy", Yonhap dẫn lời ông Thomas, dường như ám chỉ tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Ngoài ra, ông nói thêm những đợt thử tên lửa gần đây của Triều Tiên chắc chắn là mối quan tâm, nhưng không phải điều mà ông sẽ ưu tiên hơn các vấn đề lớn khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

AP hôm 9/10 đưa tin phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết việc tái triển khai tàu USS Ronald Reagan là "sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến tình hình khu vực". Người này cũng nói sự trở lại của USS Ronald Reagan là "kiểu lừa gạt về quân sự", đồng thời khẳng định Triều Tiên đã có "phản ứng chính đáng trước các cuộc tập trận chung đầy tính khiêu khích và đe dọa của Mỹ và Hàn Quốc".

Cả Seoul và Washington đều bác bỏ lập luận của Bình Nhưỡng, khẳng định các cuộc tập trận chung chỉ mang tính phòng thủ chặt chẽ.

Chia rẽ

Theo ông Carl Schuster, Mỹ và Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên do Trung Quốc và Nga sẽ ngăn chặn bất cứ biện pháp nào được đề xuất tại Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, Nga, Trung Quốc cùng Iran đang nỗ lực giúp Triều Tiên vượt qua những biện pháp trừng phạt đã được áp dụng. Sự trợ giúp này sẽ được mở rộng với các biện pháp trừng phạt bổ sung mà phương Tây có thể áp đặt lên Triều Tiên trong tương lai, theo vị chuyên gia.

"Tôi tin rằng việc Nga và Trung Quốc phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ cản trở những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên, sau các vụ thử tên lửa gần đây của nước này", ông cho biết.

Trước những vụ thử liên tiếp của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã mở phiên họp hôm 5/10 về vấn đề này. Tuy nhiên, phiên họp kết thúc mà không đạt được đồng thuận về các bước tiếp theo.

Một số thành viên cho rằng việc Hội đồng Bảo an không thể đạt được đồng thuận trước số vụ phóng tên lửa kỷ lục của Triều Tiên trong năm nay đã làm suy yếu quyền lực của cơ quan này, theo AP.

Trong khi đó, trong những tháng gần đây, Nga và Triều Tiên đã có nhiều động thái thắt chặt quan hệ giữa hai nước. Theo TASS, trong tuyên bố vào hôm 19/7, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã khẳng định quan hệ giữa nước này và Nga đang bước vào "kỷ nguyên vàng" trong lịch sử.

Thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp hôm 5/10 sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp hôm 5/10 sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, ông Schuster đánh giá khả năng cao Bình Nhưỡng sẽ phóng thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, do mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc, Triều Tiên sẽ hành động trong khoảng 4 tuần sau khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc.

"Bình Nhưỡng sẽ không hành động khi Trung Quốc đang có sự kiện. Do Triều Tiên phụ thuộc vào hỗ trợ từ Trung Quốc, nước này không muốn giành lấy sự chú ý từ Bắc Kinh", ông Schuster dự đoán.

Theo báo cáo của ban hội thẩm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 8/10, Triều Tiên đã mở rộng khả năng sản xuất vật liệu phân hạch hạt nhân tại bãi thử hạt nhân Yongbyon, Nikkei Asia đưa tin.

Theo tài liệu, ban hội thẩm "đã quan sát thấy vào tháng 3, Triều Tiên bắt đầu đào lại lối vào đường hầm 3 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri và xây dựng lại các tòa nhà hỗ trợ, vốn bị tháo dỡ vào tháng 5/2018".

"Công việc tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri mở đường cho các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hạt nhân", báo cáo cho biết.


Tác giả: Phương - Linh Vân Đinh - An Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...