A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin sáng 3/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4; Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc

Nhiều địa phương như Điện Biên, Ninh Bình, Nghệ An,… cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại từ đầu tháng 4. Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm theo thẩm quyền, đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây ảnh hưởng, bức xúc cho dân.

Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc

Tin sáng 2/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4; Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc - Ảnh 2.

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm theo thẩm quyền, đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây ảnh hưởng, bức xúc cho dân.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Nội dung kế hoạch thể hiện, trong thời gian vừa qua, trong công tác phòng, chống dịch còn có sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan; việc triển khai các biện pháp còn thiếu nhất quán, đặc biệt ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc...

Vì vậy, thành phố yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

Các địa phương phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp thành phố.

Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4

Tin sáng 2/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4 - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa) trong ngày quay trở lại trường. (Ảnh minh họa)

Tại Điện Biên, các trường bậc mầm non và tiểu học tại thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/4. Trong khi đó, học sinh THCS ở đây chuyển sang học trực tiếp từ 30/3.

Trước đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên cho 18 cơ sở giáo dục tại Điện Biên Phủ tạm dừng đến trường từ ngày 22/2 để chuyển hình thức học phù hợp.

Tại Phú Thọ, Sở GD&ĐT thông báo từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp.

Tại Ninh Bình, Sở GD&ĐT Ninh Bình quyết định cho bậc tiểu học đi học trở lại từ ngày 4/4. Tùy điều kiện thực tế, các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú.

Sở nhấn mạnh giáo viên quan tâm sát sao việc học tập của học sinh, phân loại học sinh theo mức độ nắm vững kiến thức, nhất là các nội dung không được học trực tiếp, để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh.

Học sinh tiểu học ở tỉnh này chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21/2 do mưa rét. Sau đó, ngày 24/2, Sở GD&ĐT ra văn bản về việc tiếp tục tạm dừng đến trường đối với học sinh tiểu học do tình hình dịch COVID-19.

Tại Nghệ An, theo văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới do sở GD&ĐT đưa ra, từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh chương trình chăm sóc, dạy học để đảm bảo kế hoạch năm học.

Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kỹ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến - trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế.

Sở lưu ý tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đảm bảo kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022.

Hà Nội yêu cầu không để học sinh học trực tuyến kéo dài

Tin sáng 2/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4; Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc - Ảnh 4.

Nhiều địa phương đã cho học sinh quay lại trường học. Ảnh: VTC

"Ngành giáo dục căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời".

Đây là chỉ đạo của ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, trong văn bản chỉ đạo kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục - đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại từng địa phương. Sở xây dựng kịch bản phù hợp tình hình thực hiện khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi.

Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú... xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương (đến tận xã/phường, tổ dân phố) và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn COVID-19.

Hà Nội qua đỉnh COVID-19 hơn 10 ngày, chống dịch sẽ thay đổi thế nào?

Tin sáng 2/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4; Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc - Ảnh 4.

Đường Nguyễn Trãi, Hà Nội - Ảnh: Phạm Hải

Từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới hết ngày 1/4, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 1,48 triệu ca COVID-19, dẫn đầu cả nước, vượt xa địa phương xếp thứ hai là TP.HCM (trên 595.000 ca). Giai đoạn "đỉnh điểm" nhất của dịch bệnh tại Thủ đô rơi vào khoảng nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi nhiều ngày liên tiếp ghi nhận trên dưới 30.000 ca COVID-19.

Tuy nhiên thời gian trở lại đây, số nhiễm mới tại Hà Nội liên tục đi xuống. Tại bản tin ngày 1/4, Hà Nội chỉ ghi nhận 7.734 F0 mới, với 2.076 ca cộng đồng và 5.658 ca đã cách ly. Đem so với giai đoạn "cao điểm" trước đó thì số nhiễm trong ngày đã giảm gần 4 lần.

Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, đỉnh dịch Hà Nội đã đi qua hơn 10 ngày. Hiện số lượng ca nhiễm mới giảm rất nhiều so với giai đoạn trước, những ngày gần đây chỉ dưới 10.000. Về tình hình tiêm chủng, tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Hà Nội đang ở mức cao so với cả nước: tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản là khoảng 99,6 - 99,7%, các liều tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cũng đạt tỷ lệ rất cao. Đặc biệt, có 88% người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ đã tiêm mũi 3 vaccine.

Theo vị đại diện, trong tình hình mới, một trong những vấn đề rất quan trọng là tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19. "Cần tiếp tục tuyên truyền, rà soát tới cả những người di cư, di dân từ vùng khác về Hà Nội hoặc những bệnh nhân bị liệt, nằm ở nhà mà chưa tiêm thì phải tiêm vét cho họ. Tiêm đủ mũi cơ bản nếu chưa tiêm và tiêm mũi bổ sung, tăng cường nếu đã hoàn thành mũi cơ bản", vị này nói.

Vì sao trẻ nhỏ cần được theo dõi kỹ 3 ngày sau tiêm vaccine COVID-19?

Tin sáng 2/4: Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học tới trường từ đầu tháng 4; Hà Nội yêu cầu khắc phục việc áp dụng quy định chống dịch gây bức xúc - Ảnh 6.

Các trẻ cần được theo dõi sức khỏe sát sao trong 72 giờ đầu sau tiêm vaccine COVID-19

Liên quan các phản ứng sau tiêm, TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết thông qua kết quả thực nghiệm và triển khai trên thế giới, tình trạng này ở nhóm trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi không khác biệt nhiều với trẻ lớn và người trưởng thành.

Cụ thể, trẻ có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại điểm tiêm nhưng biểu hiện thoáng qua và rất nhanh. Một số phản ứng toàn thân cũng được ghi nhận như mệt mỏi tương tự cúm hay sốt nhẹ trong vài ngày. Ngoài ra, tỷ lệ phản vệ sau tiêm vaccine ở nhóm trẻ 5 đến 12 tuổi khá thấp.

Theo TS Hải, việc theo dõi sau tiêm vắc xin cần được chú trọng và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh không để trẻ một mình sau khi tiêm.

"Cha mẹ, người thân phải thường xuyên bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như: phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác" TS Đỗ Thiện Hải lưu ý.

Vừa nói đã quên ngay, có phải bị sương mù não hậu COVID-19?

(Thái Hoàng, Đồng Nai) Trả lời:

Tôi là MC đám cưới, sau khi khỏi COVID-19 tôi xuất hiện tình trạng khó diễn đạt ý nghĩ thành lời nói, cũng có lúc vừa nói mà không nhớ mình nói cái gì thì có phải tôi bị hội chứng sương mù não hậu COVID-19 không?

Trải qua hơn hai năm kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về hội chứng sương mù não (brain fog), một dạng rối loạn chức năng nhận thức.

Với hội chứng này, tổn thương vi mô trên não không xác định được, nhưng người ta thấy nó diễn ra với nhiều mức độ, dưới các hình thức khác nhau. Có người thì đơn giản chỉ là giảm khả năng tập trung chú ý, hay quên những gì mới xảy ra mà điển hình là quên chìa khóa hoặc các vật nho nhỏ. Ở một số người thì nó xảy ra theo cách đang nói đột nhiên không diễn đạt được các từ, có người bị đãng trí ảnh hưởng tới giải quyết công việc, khả năng tiếp thu, học hành hoặc có người nặng hơn là bị lú lẫn…

Tuy nhiên, để xác định xem bạn có thực sự bị hội chứng sương mù não hay không thì cần đi khám chuyên khoa để biết tình trạng của bạn xuất hiện sau khi bị COVID-19 bao lâu, diễn tiến, bệnh sử thế nào. Các bác sĩ sẽ cho bạn làm trắc nghiệm tâm lý về nhận thức, thần kinh, ví dụ thang đánh giá mức độ suy giảm nhận thức để xác định bạn có thực sự mắc hội chứng nói trên không.

Nữ sinh khỏi COVID-19 sau 108 ngày điều trị

Tháng 12/2021, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận nữ sinh Đ.T.N.Q. (15 tuổi, ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng mắc COVID-19, suy hô hấp nặng, viêm phổi và nhiễm trùng huyết.

Ngay lập tức, bé được cho thở máy thông số cao nhưng diễn biến xấu rất nhanh, tổn thương đa cơ quan nặng. Các bác sĩ liên tục điều trị cho bé với kháng sinh phổ rộng, kháng đông, kháng viêm.

Tuy nhiên, sau 4 ngày, phổi của bệnh nhi bị tổn thương nặng, buộc chỉ định can thiệp ECMO. Đây được xem là biện pháp hồi sức tích cực cuối cùng để hỗ trợ duy trì sự sống cho người bệnh, thay thế chức năng của tim và phổi.

Suốt thời gian chạy ECMO, có những lúc tình trạng bệnh nhi quá nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi.

Trải qua 80 ngày, bệnh tình bé gái tiến triển tốt hơn, ngưng được ECMO và cai máy thở. Sau đó, bệnh nhi được chuyển qua thở áp lực dương đường mũi và điều trị viêm phổi tại khoa Hô hấp 1.

Sau thời gian dài chống chọi bệnh nặng, nữ sinh gặp nhiều tổn thương về thể chất cũng như tâm lý. Các bác sĩ khoa Hô Hấp đã phối hợp cùng khoa Dinh Dưỡng, Vật lý trị liệu, Tâm lý xây dựng các liệu pháp phục hồi chức năng cho em.

Bệnh nhi được tập vật lý trị liệu hô hấp mỗi ngày để cải thiện chức năng phổi, tối ưu hóa chế độ ăn, bổ sung năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết để hồi phục sức khỏe.

Sau tổng cộng 108 ngày chiến đấu với bệnh tật, nữ sinh đã được xuất viện, trở về nhà trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y bác sĩ.

Đây là một trong những bệnh nhi mắc COVID-19 có tình trạng nguy kịch và thời gian điều trị ECMO khá dài tại Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...