A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ trí thức Thủ đô góp phần xây dựng Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại

Sáng 31-10, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ Nữ trí thức trưởng thành cùng Thủ đô.

co-an.jpg

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An nêu rõ, nữ trí thức Hà Nội là những phụ nữ Thủ đô thanh lịch, dịu dàng, được đào tạo, có kinh nghiệm thực tiễn, luôn nỗ lực hết mình, có trách nhiệm, vượt qua mọi rào cản, bằng năng lực nội sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, nữ trí thức Hà Nội đã có nhiều đóng góp cải tạo, kiến thiết xây dựng Thủ đô. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều nữ trí thức đã “ba đảm đang” thay chồng ở lại hậu phương sản xuất, chiến đấu, nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng cha mẹ già... Đặc biệt còn có lớp lớp nữ trí thức Thủ đô xếp bút nghiên khoác ba lô đi vào tuyến lửa, trực diện chiến đấu với quân thù như Liệt sĩ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, Anh hùng bác sĩ Đặng Thùy Trâm...

Khi đất nước thống nhất, đội ngũ nữ trí thức lại đem trí tuệ, tài năng của mình góp sức xây dựng Thủ đô. Các chị có mặt ở tất cả các lĩnh vực, từ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, CEO của các doanh nghiệp... Số nữ trí thức Hà Nội được công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư tăng lên đáng kể với tuổi đời ngày càng trẻ. Nhiều chị đã được bổ nhiệm là người đứng đầu của các viện nghiên cứu, trường đại học..., nhiều chị được phong tặng Anh hùng lao động thười kỳ đổi mới, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú...

tram.jpg

PGS.TS. Anh hùng lao động Nguyễn Thị Trâm chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Anh hùng lao động Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1944) cho biết, bà thật sự gắn bó với Hà Nội từ năm 1984 đến nay. Là nhà giáo, nhà khoa học, bà đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu chọn tạo và phát triển thành công nhiều giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế, góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam. Tuổi cao nhưng bà vẫn say mê với công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bà mong muốn tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ cho nghiên cứu khoa học nước nhà, truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học kế cận.

toan.jpg

GS.TS. KTS. Tô Thị Toàn

GS.TS Tô Thị Toàn (sinh năm 1947), con gái của họa sĩ Tô Ngọc Vân cho biết, sau ngày Giải phóng Thủ đô, gia đình bà từ chiến khu trở về Hà Nội. Bà đã sống, học tập, công tác và trưởng thành cùng Thủ đô. Với tình yêu Hà Nội sâu sắc, bà đã cố gắng cống hiến trí tuệ, sức lực để xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Là một kiến trúc sư, bà đã chủ trì thiết kế hàng chục mẫu nhà ở, quy hoạch tiểu khu nhà ở, nghiên cứu khoa học đề tài về nhà ở Hà Nội, khu đô thị mới... Đặc biệt, bà đã chủ trì, thiết kế bảo tồn, cải tạo 2 ngôi nhà cổ Hà Nội ở 87 Mã Mây và 38 Hàng Đường. Bà còn là đại biểu Quốc hội khóa X, XI. “Tôi rất vui và tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” - GS.TS Tô Thị Toàn bày tỏ.

2.jpg

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An khẳng định sự đóng góp của nữ trí thức Thủ đô trong những năm qua là rất đáng khích lệ, trân trọng và mong các chị tiếp tục cống hiến tài năng, tâm huyết của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...