A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý do ông Johnson rút khỏi cuộc đua thủ tướng Anh

Ông Boris Johnson được cho là đã nhận thấy khả năng thất bại trong cuộc đua vị trí thủ tướng Anh, nên ông đã tự rút lui để tránh mất mặt.

Sau tất cả lối diễn đạt dè dặt về tham vọng lãnh đạo của cựu Thủ tướng Boris Johnson, Guardian cho rằng có một điều rất rõ ràng: Ông chỉ rút lui khỏi một cuộc đua chính trị, nếu nghĩ rằng không thể chiến thắng. Và điều đó đã xảy ra vào tối 23/10.

Tuyên bố không tham gia tranh cử thủ tướng Anh của ông Johnson là câu chuyện kinh điển của điều này. Những ngôn ngữ của ông phần nào nhấn mạnh về khả năng chiến thắng của chính mình, trong khi khiêm tốn khẳng định ông đang chọn một con đường khác vì sự đoàn kết.

"Cơ hội tôi thành công trong cuộc bầu cử của đảng Bảo thủ là tương đối lớn và tôi thực sự có thể trở lại Phố Downing vào ngày 28/10", ông Johnson cho biết trong tuyên bố.

Ông đồng thời khẳng định bản thân đã được 102 nhà lập pháp ủng hộ và có đủ khả năng đưa đảng Bảo thủ tới chiến thắng vào năm 2024, theo Reuters.

Nghi ngờ sâu sắc

"Nhưng trong những ngày qua, tôi rất buồn khi đi đến kết luận rằng đây đơn giản không phải là điều đúng đắn cần làm. Bạn không thể lãnh đạo hiệu quả trừ khi có một đảng thống nhất tại quốc hội", ông cho biết thêm.

Trên thực tế, nhiều nhà quan sát - và nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ - vẫn còn nghi ngờ sâu sắc về thông tin ông đã nhận được 102 phiếu ủng hộ, khi chưa đến một nửa con số này công khai khẳng định như vậy.

Bên cạnh đó cũng có những hoài nghi liên quan đến việc ông Johnson khẳng định về khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của các đảng viên Bảo thủ, và sau đó có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Khả năng trở lại vị trí thủ tướng của ông Johnson cũng không phải là không thể xảy ra, đặc biệt là khi cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vẫn bị một số đảng viên Bảo thủ chỉ trích. Họ cho rằng ông là nguyên nhân khiến cựu Thủ tướng Johnson bị hạ bệ hồi tháng 7. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Sunak gần như chắc chắn trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Anh.

Ông Sunak đã nhận được ít nhất 146 phiếu ủng hộ tính đến chiều tối 23/10, theo BBC, cao hơn gấp đôi so với 57 phiếu ủng hộ ông Johnson.

cuu Thu tuong Anh Johnson anh 2

Ông Sunak (trái) và ông Johnson (phải). Ảnh: Times.

Tuy nhiên, có lẽ kết quả tốt nhất mà Johnson có thể hy vọng là trở thành lãnh đạo của một đảng mà khoảng 2/3 nghị sĩ cho rằng ông không thích hợp để đảm nhiệm chức vụ đó. Một số người thậm chí còn đe dọa sẽ từ chức nếu ông nắm quyền một lần nữa.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Roger Gale ngày 22/10 nói rằng ông sẽ từ chức trong đảng nếu ông Johnson tái đắc cử thủ tướng. Một vài nghị sĩ khác cảnh báo việc ông Johnson đắc cử có thể dẫn đến một đợt tổng tuyển cử sớm, và đó sẽ là "dấu chấm hết cho đảng Bảo thủ" khi các nghị sĩ chia rẽ.

Tuy nhiên, khả năng không đạt 100 đề cử có thể khiến ông Johnson mất mặt hơn nữa. Những người thân cận với ông Johnson miêu tả ông là một chính trị gia sống dựa trên sự chấp thuận. Nếu ông không cảm thấy được ủng hộ, ông sẽ không muốn tham gia.

Toan tính của ông Johnson

Vào năm 2016, ông Johnson từng được coi là một trong những ứng viên hàng đầu để kế nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron. Thời điểm đó, ông được những người ủng hộ Brexit ca ngợi vì những đóng góp trong cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU.

Các sự kiện thời gian đó cũng đi theo một câu chuyện tương tự. Ngay trước khi ông Johnson chính thức tuyên bố tranh cử, Michael Gove - đồng minh của ông - khẳng định bản thân tin rằng ông Johnson không thích hợp với vị trí đó. Ông Gove cũng tuyên bố tranh cử vào thời điểm đó.

Ông Johnson đã từ bỏ sau khi niềm hy vọng bị tổn hại nặng nề.

Vào ngày 23/10, ông Johnson đã khẳng định ông có thể thắng cuộc đua nếu ông chọn ra tranh cử. Tuy nhiên, ông cho biết "tôi đã buồn bã đi đến kết luận rằng đây đơn giản không phải là điều đúng đắn nên làm".

cuu Thu tuong Anh Johnson anh 3

Ông Johnson tại sân bay Gatwick hôm 22/10. Ảnh: Reuters.

Ông Johnson muốn thế giới tin rằng ông rút lui vì sự thống nhất của đảng, hoặc lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nếu ông thực sự trân trọng những điều đó, ông sẽ không đưa ra một nỗ lực mới để trở thành thủ tướng chỉ hơn ba tháng sau khi bị buộc phải từ chức.

Theo New York Times, việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng một lần nữa sẽ là một rủi ro lớn đối với đảng Bảo thủ.

Ông không chỉ là một nhân vật gây chia rẽ đối với cử tri, mà còn bị một ủy ban quyền lực điều tra về việc liệu ông có lừa dối các nhà lập pháp về bữa tiệc trong thời gian phong tỏa hay không. Bên cạnh đó, vẫn chưa chắc chắn rằng việc ông trở lại nắm quyền sẽ được các thị trường tài chính, vốn đã ổn định gần đây, chào đón.

Có lẽ một phần trong tuyên bố của ông Johnson là chân thành, nếu không nhất thiết phải chính xác, khi ông khẳng định: "Tôi tin rằng tôi có thể mang đến nhiều thứ, nhưng tôi e rằng đây chỉ đơn giản là không phải thời điểm thích hợp".

Ông Johnson tin tưởng rằng ông đã bị buộc phải ra đi một cách bất công. Ông có lẽ cũng tin rằng trong thời điểm chính trị bất ổn như hiện nay, ông vẫn có thể trở lại.

Tuy nhiên, Guardian cho rằng tuyên bố đó có thể là nhằm tự an ủi. Ông Johnson đã trở lại từ một kỳ nghỉ để được một số người ủng hộ chào đón trên mạng xã hội với tư cách là "ông chủ".

Tuy nhiên, không nhiều người làm như vậy. Trong số hơn 140 người ủng hộ đã được xác nhận của ông Sunak có Suella Braverman, Kemi Badenoch và Steve Baker. Đây đều là những người đã ủng hộ ông Johnson trước đây.

Ngay cả khi chưa hoàn toàn nhận ra điều đó, ông Johnson hiện là "người đàn ông ngày hôm qua" của đảng Bảo thủ. Mượn phát ngôn của ông Cameron về cựu Thủ tướng Tony Blair trước đó, Guardian khẳng định ông Johnson "từng là tương lai".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...