Liên hợp quốc: Thế giới có nguy cơ thụt lùi hàng thập kỷ
Ngày 6/5, Liên hợp quốc công bố báo cáo Chỉ số phát triển con người (HDI) thường niên cho năm 2024, vẽ nên bức tranh ảm đạm về tiến độ phát triển toàn cầu khi các thành quả tích lũy suốt nhiều năm qua đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19 vào năm 2023, thế giới hiện rơi vào trạng thái “đi chậm lại”, với tuổi thọ và thu nhập đình trệ, trong khi xung đột vũ trang bùng phát ngày càng nhiều.
Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, sự thoái trào này có thể khiến nhân loại thụt lùi hàng chục năm, đẩy thế giới vào trạng thái dễ tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế, sinh thái và xã hội.
Đáng lo hơn, ông cho rằng việc Mỹ và một số nước giàu cắt giảm viện trợ quốc tế, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: Unsplash
Một trong những điểm nhấn quan trọng của báo cáo năm nay là sự bất bình đẳng trong tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI). UNDP cảnh báo rằng dù AI mang đến tiềm năng phục hồi phát triển, nhưng nếu chỉ tập trung vào nhóm nước giàu, công nghệ này có thể khoét sâu thêm khoảng cách toàn cầu.
Các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức đang chiếm ưu thế lớn nhờ hạ tầng số mạnh mẽ, và riêng Mỹ đã hút tới 70,2% tổng đầu tư toàn cầu vào AI trong năm 2024. Trong khi đó, các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau, vừa thiếu hạ tầng, vừa đối mặt với rào cản văn hóa và thiên lệch trong thiết kế công nghệ.
"Nếu không giải quyết được tình trạng bất công hiện hữu, AI sẽ không cứu được thế giới – nó sẽ chỉ khiến mọi thứ tệ hơn", Steiner nhấn mạnh.
Về bảng xếp hạng HDI, Iceland tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, theo sau là Na Uy. Đức và Thụy Điển đồng hạng 5. Mỹ xếp thứ 17, ngay dưới Canada. Ở nhóm cuối bảng, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Somalia và Nam Sudan là những nước có chỉ số phát triển con người thấp nhất (hạng 190–193). Ấn Độ và Bangladesh đứng đồng hạng 130, trong khi Pakistan rơi xuống vị trí 168.
Báo cáo nhấn mạnh ba trụ cột để đánh giá HDI: sức khỏe và tuổi thọ, tri thức và mức sống. Trong số các khu vực, Nam Á và châu Phi cận Sahara vẫn là những nơi có mức độ phát triển thấp nhất, dễ bị tổn thương trước khủng hoảng nợ, bất ổn và biến đổi khí hậu – những yếu tố đang ngày càng đè nặng lên các nền kinh tế đang phát triển.