Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức có sai phạm
Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để...
Nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để
Nội dung trên được nêu trong báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Chính phủ cũng chỉ đạo kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định của Đảng; Xây dựng chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để tháo gỡ khó khăn về biên chế sự nghiệp, nhất là biên chế giáo viên và nhân viên y tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả trong công tác này, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội, sáng 23/5 |
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức, trong đó, có 258 người được tuyển dụng theo các chính sách quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Kết quả tuyển dụng đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc thời gian qua. Hàng năm, cả nước có gần 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật; trên 85% được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; gần 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ (các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, Chính phủ đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp).
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; Cải thiện môi trường làm việc; Có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc.
Còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Về tồn tại, hạn chế, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.
Công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; Một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Cùng với đó, vi phạm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời; Kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, xử lý 178 trường hợp vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021.
Theo ông Lê Quang Mạnh, công tác cải cách hành chính còn hạn chế. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tuy có cải thiện, người dân hài lòng hơn với dịch vụ công cơ bản nhưng địa phương có chỉ số PAPI cao nhất mới chỉ đạt khoảng 47/80 điểm (còn khoảng cách xa so với điểm tối đa); Đòi hỏi chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn trong công tác điều hành, cung ứng dịch vụ công.
"Ở nhiều cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quan tâm, công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động và trách nhiệm giải trình; Đã phát hiện, xử lý 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm về công khai, minh bạc", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, phân cấp, phân công, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.