EU áp gói trừng phạt mới, giao tranh ác liệt khắp Ukraine
Cuối ngày 14/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo khối 27 nước thành viên này đã phê duyệt gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, đáp trả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Pháp, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch EU, cho biết: "Sau khi tham vấn các đối tác quốc tế, khối đã phê chuẩn gói trừng phạt thứ 4 nhằm vào các cá nhân và thực thể liên quan đến cuộc tấn công Ukraine cũng như một số ngành của nền kinh tế Nga".
Theo thông cáo của Pháp, EU cũng đã phê chuẩn một tuyên bố gửi Tổ chức Thương mại Thế giới "về việc đình chỉ áp dụng quy chế tối huệ quốc (MFN) đối với Nga và ngưng xem xét đơn của Belarus xin gia nhập WTO".
Nếu Nga bị đình chỉ quy chế tối huệ quốc, các công ty của nước này không còn được nhận sự đối xử đặc biệt thông qua EU nữa.
Các thông báo trên tương tự với những tuyên bố trước đó của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh Versaiilles (Pháp) vào ngày 11/3 về việc nếu "Nga tiếp tục tấn công Ukraine", khối này sẽ áp dụng gói trừng phạt hà khắc.
Lực lượng cứu hỏa sơ tán một phụ nữ lớn tuổi khỏi chung cư bị pháo kích ở Kiev, Ukraine, ngày 14-3. Ảnh: AP
Tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ tư sẽ cô lập Nga hơn nữa "và rút cạn các nguồn lực mà nước này sử dụng để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine". Bà cho biết EU sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước G7 để gia tăng sức ép lên Moscow.
Các nỗ lực nhằm đạt đồng thuận tẩy chay dầu mỏ Nga rất phức tạp vì một số nước EU, bao gồm cả Đức và Ý, phụ thuộc nhiều hơn so với các nước khác vào năng lượng của Nga. Chẳng hạn, Ba Lan nhận 67% dầu từ Nga, trong khi Ireland chỉ nhận 5%.
Hiện Nga và Ukraine tiếp tục duy trì con đường ngoại giao mong manh, giữa lúc các lực lượng của Moscow tấn công thủ đô Kiev và các thành phố khác trên khắp Ukraine. Theo hãng tin AP, những cuộc tấn công được Hội Chữ thập đỏ gọi là "cơn ác mộng đối với dân thường".
Một đoàn xe ôtô gồm 160 chiếc rời thành phố cảng Mariupol bị bao vây dọc theo một tuyến đường nhân đạo được chỉ định. Người dân tuyệt vọng về thức ăn, nước uống, thuốc men.
Nhìn chung, gần như các mũi tấn công của quân đội Nga đang chững lại kể từ cuối tuần. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết lực lượng Nga còn cách trung tâm Kiev khoảng 15km.
Trong đêm 14/3, các cảnh báo về không kích đã vang lên ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước, từ gần biên giới Nga ở phía Đông đến dãy núi Carpathian ở phía Tây, và giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô Kiev. Nhiều tiếng nổ lớn cũng được ghi nhận ở Kiev.
Đến nay, phía Mỹ cho biết Nga đã phóng tổng cộng 900 quả tên lửa từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhà cửa, phương tiện giao thông bị phá hủy sau pháo kích ở Kiev. Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán mới nhất là vòng thứ tư có sự tham gia của các quan chức cấp cao hơn của hai nước nhưng kết thúc mà không có đột phá sau vài giờ. Hai bên dự kiến gặp lại vào ngày 15/3.
Theo nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podoliak, vòng 4 cuộc đàm phán trực tuyến với giới chức Nga tạm ngừng vì một số vấn đề cần bổ sung và làm rõ các định nghĩa.
Trước khi ông Podoliak thông báo cuộc đàm phán tạm ngừng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết "những cuộc đối thoại khó khăn" đang tiếp tục diễn ra với phía Nga.
Hai bên bày tỏ sự lạc quan trong vài ngày qua. Ông Podolyak cho biết các nhà đàm phán sẽ thảo luận về "hòa bình, ngừng bắn, rút quân ngay lập tức và đảm bảo an ninh".
Tại Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp ngắn hôm 14/3 rằng trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc Ukraine tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải có dấu hiệu giảm leo thang để thể hiện thiện chí.