Động thái chưa từng có tiền lệ của Triều Tiên
Các nhà phân tích nhận định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ khó hạ nhiệt sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa từ tàu ngầm trước cuộc tập trận quân sự của Mỹ - Hàn Quốc.
Hôm 13/3, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã phát động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong nhiều năm qua, sau khi Triều Tiên thông báo phóng thử hai tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm một ngày trước đó.
Đây được xem là động thái thể hiện thái độ phản đối rõ ràng của Bình Nhưỡng trước cuộc tập trận mà họ coi là cuộc diễn tập xâm lược, theo AP.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12/3 cũng báo hiệu nước này có khả năng tiến hành các hoạt động thử nghiệm vũ khí khác khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc sẽ diễn ra trong 11 ngày.
Vụ phóng thử trên là vụ phóng tên lửa hành trình đầu tiên được biết đến của Triều Tiên từ tàu ngầm. Các vụ phóng dưới nước trước đây của nước này đều liên quan đến tên lửa đạn đạo.
Các nhà quan sát cho biết đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên bắn nhiều tên lửa từ tàu ngầm trong cùng một sự kiện phóng.
"Vào thời điểm mà những nỗ lực chế tạo (tàu ngầm lớn hơn) đạt được rất ít tiến triển do các lệnh trừng phạt, Triều Tiên muốn chứng tỏ rằng nước này gần như đã phát triển xong những loại tên lửa có thể phóng từ tàu ngầm", ông Moon Keun Sik, chuyên gia về tàu ngầm giảng dạy tại Đại học Kyonggi ở Hàn Quốc, cho hay.
Triều Tiên đã phóng thử tên lửa hành trình từ tàu ngầm "8.24 Yongung" ngoài khơi bờ biển phía đông nước này hôm 12/3. Ảnh: KCNA
Ăn miếng trả miếng
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và những tranh cãi nảy lửa có xu hướng tăng đột biến khi Washington và Seoul tổ chức cuộc tập trận quân sự chung, CNN nhận định.
Vụ phóng mới nhất diễn ra khoảng 24 giờ trước khi Washington và Seoul bắt đầu cuộc tập trận Lá chắn Tự do.
Cuộc tập trận dựa trên mô phỏng máy tính có tên Freedom Shield 23 sẽ kéo dài 11 ngày, với các kịch bản "thực tế" phản ánh hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nó diễn ra song song với cuộc huấn luyện trên thực địa mang tên "Khiên chiến binh" (Warrior Shield FTX).
Trong bối cảnh đó, Triều Tiên cho biết trên phương tiện truyền thông nhà nước rằng việc nước này phóng hai tên lửa hành trình từ tàu ngầm ngoài khơi bờ biển phía đông cho thấy quyết tâm đáp trả bằng lực lượng "áp đảo mạnh mẽ" đối với các cuộc diễn tập quân sự ngày càng gia tăng.
Hãng thông tấn KCNA gọi tên lửa là vũ khí "chiến lược" và cho hay các vụ phóng chứng minh tư thế hoạt động "răn đe chiến tranh hạt nhân". Điều này dường như ngụ ý rằng Bình Nhưỡng có ý định trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa hành trình.
KCNA công bố các tên lửa đã bay trong hơn hai giờ và thể hiện khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.500 km. Tên lửa được bắn từ tàu ngầm "8.24 Yongung", chỉ một tàu ngầm mà Triều Tiên từng sử dụng để phóng thử tên lửa đạn đạo đầu tiên từ tàu ngầm vào năm 2016.
KCNA cũng đưa tin Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Lao động Triều Tiên "bày tỏ hài lòng" sau cuộc tập trận.
Quân đội Hàn Quốc cho biết các vụ phóng của Triều Tiên diễn ra ở vùng biển gần thành phố cảng Sinpo, nơi nước này có một nhà máy đóng tàu ngầm lớn.
Người phát ngôn quân đội Hàn Quốc Lee Sung Jun cho biết các đánh giá của Seoul không khớp với chi tiết về vụ phóng mà Triều Tiên cung cấp nhưng không giải thích chi tiết.
Các binh sĩ quân đội Hàn Quốc cùng pháo tự hành K-5 ở Yeoncheon, Hàn Quốc, gần biên giới với Triều Tiên vào ngày 13/3. Ảnh: AP
Kim Dong Yub, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết chi tiết về vụ phóng được báo cáo cho thấy Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, nằm trong tầm bắn của tên lửa hành trình, nếu chúng được bắn từ vùng biển phía đông của Triều Tiên.
Ông nói thêm các loại vũ khí này thậm chí có thể vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương nếu tàu ngầm của Triều Tiên có thể hoạt động xa bờ hơn.
"Có thể chỉ là sự khởi đầu"
Hoạt động hôm 12/3 là vụ phóng thử tên lửa dưới nước đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi nước này phóng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ lòng hồ chứa nước vào tháng 10/2022.
Ông Moon cho biết các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có khả năng được thiết kế để tấn công tàu sân bay và tàu lớn của Mỹ, hoặc mục tiêu tầm ngắn khác trên mặt đất. Trong khi đó, Bình Nhưỡng có thể muốn sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để tấn công mục tiêu trong đất Mỹ.
Hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên sẽ khiến đối thủ khó phát hiện trước các vụ phóng hơn và cung cấp cho nước này khả năng tấn công trả đũa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định sẽ phải mất nhiều năm, đòi hỏi nguồn lực dồi dào cùng cải tiến lớn về công nghệ để quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt xây dựng một hạm đội nhiều tàu ngầm, có thể di chuyển nhẹ nhàng trên biển và triển khai cuộc tấn công một cách đáng tin cậy.
Ông Lee Sung Jun cho biết quân đội Hàn Quốc đã và đang nâng cấp các thiết bị cần thiết để đối phó với mối đe dọa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc gọi riêng các vụ phóng của Triều Tiên là "rất đáng tiếc", nói rằng Bình Nhưỡng không được lợi gì khi gia tăng căng thẳng trên bán đảo.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng ông Kim Jong Un đang cố gắng gây áp lực buộc Mỹ phải chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân hợp pháp và nới lỏng biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế.
Triều Tiên cũng coi các cuộc tập trận quân sự thường xuyên giữa Hàn Quốc và Mỹ là mối đe dọa an ninh lớn, mặc dù Seoul và Washington nói rằng các cuộc tập trận của họ có mục đích chính là tăng cường khả năng phòng thủ.
Xe bọc thép của quân đội Mỹ chuẩn bị băng qua sông Hantan tại thao trường huấn luyện ở Yeoncheon, gần biên giới với Triều Tiên vào ngày 13/3. Ảnh: AP.
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã cho máy bay ném bom tầm xa tập trận với máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Tuần trước, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã được các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc hộ tống khi bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết.
Trước động thái đó, ông Kim hôm 9/3 đã giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật mô phỏng các cuộc tấn công vào một sân bay của Hàn Quốc. Ông kêu gọi binh sĩ Triều Tiên sẵn sàng đáp trả một cách áp đảo "sự chuẩn bị chiến tranh vội vàng" của Hàn Quốc và các nước đồng minh.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cũng cho hay Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), ở thành phố Nampo vào 18h20. Tên lửa rơi xuống biển Hoàng Hải, Yonhap đưa tin.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích thấy rằng có ít lý do để nghĩ rằng mọi thứ sẽ hạ nhiệt.
"Đây có thể chỉ là khởi đầu của một loạt vụ phóng thử của Triều Tiên", Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nói về vụ phóng tên lửa hôm 9/3".
"Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ các cuộc tập trận quốc phòng lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Tổng thống Yoon Suk Yeol với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden".
"(Bình Nhưỡng) có thể ra lệnh bắn tên lửa tầm xa hơn, thử phóng vệ tinh gián điệp, trình diễn động cơ nhiên liệu rắn và thậm chí thử hạt nhân", ông Easley nói.