A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Đó là đề xuất của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu ra trong khuôn khổ "Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá", được tổ chức vào sáng 10/11 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm rất có hại cho sức khỏe. Cụ thể, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, đồng thời làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.

Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tràn lan quảng cáo về các loại thuốc lá điện tử trên mạng xã hội
Tràn lan quảng cáo về các loại thuốc lá điện tử trên mạng xã hội

Mặt khác, dựa vào điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Cùng với đó, điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

Nhìn vào các số liệu cho thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

"Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ", đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đặt vấn đề.

Ông Lê Thanh Hải, đại diện
Ông Lê Thanh Hải, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trình bày tại hội nghị

Từ đó, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đưa ra đề xuất cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Đề xuất này hoàn toàn có cơ sở khi Bộ Y tế cũng đang hoàn chỉnh báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và đề xuất bổ sung sửa đổi luật, trong đó có đề xuất với Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về việc cấm sử dụng và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam.

Hay gần đây nhất, ngày 31/8/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 423/BC-CP ngày 31/8/2023 trình Quốc hội Báo cáo kết quả hoạt động, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2 năm (2021 - 2022), trong đó có kiến nghị: “Xem xét và ban hành nghị quyết của Quốc hội về cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.

Thuốc lá nung nóng (HTPs): Sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói) có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Thuốc lá điện tử (ENDs): Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, có propylene glycol và các chất tạo hương vị. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như ethylene glycol, diethylene glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như toluene, nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein, formaldehyde, hydrooxycarbonyls, acetaldehyde, polycyclic aromatic hydrocarbons, phân tử ultrafine... Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo: Thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...