Có thể 43 địa phương sẽ hụt thu ngân sách năm 2023
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm 2023 và những năm tới.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), năm 2023, nhiều giải pháp đã được Chính phủ triển khai giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Nhờ đó, cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nợ công, bội chi, lạm phát được kiểm soát, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên và ước thực hiện tổng thu ngân sách năm 2023 cơ bản đạt dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ rõ một số tồn tại, bất cập như chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách Nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) |
Trong khi đó, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng đang có hướng tăng và tiếp cận với mức trần.
Theo đại biểu, năm 2023 khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững.
Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn; một số khoản thu sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp tăng thu ngân sách các tháng cuối năm 2023 và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về thu, chi ngân sách.
Về dự toán ngân sách năm 2024, phương án điều tiết giữa Trung ương và địa phương chưa thực hiện cân đối được, thu ngân sách không đạt được dự toán.
Vì vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết Trung ương cho địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng nơi, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.