A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đề nghị bảo vệ... đồng minh của Nga

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đổ lỗi cho Azerbaijan về cuộc xung đột hiện tại với Armenia và đề nghị hỗ trợ an ninh cho chính quyền Yerevan khi bà đến thủ đô của Armenia hôm 18/9.

Bà Pelosi cho biết chuyến đi của bà có tầm quan trọng hàng đầu vì "các cuộc tấn công bất hợp pháp và gây chết người của Azerbaijan trên lãnh thổ Armenia".

Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ những vụ tấn công đó. Cuộc chiến này do Azerbaijan khởi xướng và tất cả nên thấy điều đó".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho rằng: "An ninh lãnh thổ và chủ quyền của Armenia, nền dân chủ của Armenia có ý nghĩa đối với Mỹ. Trong các mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia khác, chúng tôi cần sử dụng ảnh hưởng, đòn bẩy của chúng tôi để chứng tỏ nền dân chủ và chủ quyền của Armenia là một vấn đề ưu tiên".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nanacy Pelosi nhận hoa từ Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 18/9. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nanacy Pelosi nhận hoa từ Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 18/9. Ảnh: Reuters.

Quan chức cấp cao thứ 3 của Mỹ cam kết nghị quyết lên án "hành động hung hăng" của Azerbaijan sẽ sớm được đưa ra Quốc hội Mỹ. Chuyến thăm trước đó của bà Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 8 đã làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Những vụ đụng độ biên giới nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan hồi tuần trước, khi cả hai bên cáo buộc đối phương là bên khơi mào bạo lực. Chính quyền Yerevan cho biết khoảng 135 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc giao tranh trong khi chính quyền Baku cho hay số binh sĩ thiệt mạng là 79.

Hai nước thuộc Liên Xô cũ đến nay vẫn còn tranh chấp về khu vực Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ được kiểm soát bởi các lực lượng Armenia kể từ những năm 1990 nhưng phía Azerbaijan tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của mình.

Azerbaijan và Armenia đã bị kéo vào cuộc chiến kéo dài 44 ngày tại Nagorno-Karabakh vào năm 2020, sau đó kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian và nhượng một số lãnh thổ cho Baku.

Cũng trong hôm 18-9, hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Yerevan yêu cầu Armenia rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo. 

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trước đó đã yêu cầu CSTO giúp đỡ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện tại. Khối này cũng đã cử một phái đoàn đến Armenia nhưng không gửi lực lượng quân sự, khiến các quan chức Armenia không hài lòng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...