A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Giao thông vận tải báo cáo gì với Quốc hội về đào tạo lái xe?

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe

Trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Bộ GTVT cho biết đã thường xuyên, liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Giao thông vận tải báo cáo gì với Quốc hội về đào tạo lái xe? - Ảnh 1.

Học viên học thực hành tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Ảnh: Văn Duẩn

Hiện nay cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ôtô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ôtô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố, với hơn 40.600 ôtô tập lái, hơn 48.400 giáo viên dạy thực hành, hơn 3.800 giáo viên dạy lý thuyết, và hơn 2.300 giáo viên vừa dạy lý thuyết và dạy thực hành.

Năm 2022 cả nước cấp hơn 845.000 GPLX ôtô và hơn 927.000 GPLX máy. Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu GPLX ôtô và hơn 51 triệu GPLX máy.

Đối với GPLX quốc tế, đã áp dụng dịch vụ công mức độ 4 trong việc cấp GPLX quốc tế. Đến nay, cả nước đã cấp gần 39.000 GPLX quốc tế. Dữ liệu GPLX hiện đã được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ GTVT luôn xác định đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, nhưng một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng GTVT đã quyết định thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên phạm vi toàn quốc với nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó.

Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của sở GTVT, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế. Chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế.

Cùng với đó, việc xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.

Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe.

Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...