A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Xung trận' ở bang chiến địa, ông Obama bộc lộ mặt gai góc

Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Barack Obama đã cùng đứng trên sân khấu ở Pennsylvania, lần đầu tiên cả hai xuất hiện trong cùng chiến dịch vận động kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Nhiều năm trước, ông Joe Biden là người vận động năng nổ tại các bang chiến địa khi làm phó tổng thống của chính quyền Obama, những nơi mà ông Obama khi đó rất khó xuất hiện do không nhận nhiều sự ủng hộ.

Năm nay, kịch bản vẫn tương tự, chỉ có vai trò đã được hoán đổi. Những bang "nghiêng ngả" như Georgia, Wisconsin hay Arizona là điểm đến của ông Obama, trong khi tổng thống đương nhiệm chủ yếu xuất hiện tại các bang "xanh", thành trì của đảng Dân chủ, như California hay New York.

Sau nhiều tuần với các đích đến khác nhau, cả hai cuối cùng đã đứng chung một sân khấu tại Philadelphia, bang Pennsyvania trong ngày 5/11, với nỗ lực giữ lại quyền kiểm soát quốc hội cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới.

Hai tính cách

Trên sân khấu tại Philadelphia, ông Biden và ông Obama đã dành cho nhau những lời có cánh. "Tin tốt là các bạn có một tổng thống tuyệt vời tại Nhà Trắng vào lúc này", ông Obama nói.

Đứng cùng cựu cấp trên và hai ứng viên chạy đua Thượng viện và thống đốc Pennsylvania, ông Biden cũng gọi người tiền nhiệm là "một tổng thống vĩ đại, một tổng thống của lịch sử, và tôi tự hào nói rằng, một người bạn thân mến".

Ông Biden và ông Obama cùng dự buổi vận động ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 5/11. Ảnh: Reuters.

Bài diễn thuyết của cựu Tổng thống Obama đã đào sâu những vấn đề của đất nước, và gay gắt hơn khi chỉ trích đảng Cộng hòa. Trong khi đó, ông Biden thể hiện tác phong của một cựu thượng nghị sĩ, tập trung nhấn vào các dự luật mà ông đã thông qua, theo New York Times.

Nhưng trong ngày 5/11, tổng thống đương nhiệm đã dùng một tông giọng giận dữ khi nói về người tiền nhiệm Donald Trump và các đảng viên Cộng hòa.

"Những người đó không bao giờ ngừng làm tôi ngạc nhiên. Họ thực sự nhắm đến chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế", ông Biden phát biểu.

Tại buổi mít tinh, Tổng thống Biden cũng hoan nghênh những thành tựu của cựu Tổng thống Obama, bao gồm Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền, hay Obamacare, và cam kết sẽ bảo vệ luật này đến cùng. "Bất kể họ có cố gắng loại bỏ Obamacare thế nào đi nữa, tôi sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra".

Hai vị trí khác biệt

Tại Philadelphia, ông Obama đã khuấy động sân khấu với những thông điệp thường thấy. Sau khi chỉ trích đảng Cộng hòa, cựu tổng thống Mỹ đã thúc giục cử tri: "Đừng la ó, hãy bỏ phiếu".

Với các vấn đề tâm điểm của cuộc bầu cử lần này như lạm phát, tội phạm và quyền phá thai, ông Obama được cho là đã có bài phát biểu nhiều sức hút hơn tổng thống đương nhiệm.

Bên cạnh chỉ trích trực tiếp, vị tổng thống thứ 44 của Mỹ cũng mang nhiều tông giọng mỉa mai khi nói về đảng đối lập.

"Họ sẽ luận tội ông Biden, trong khi họ không chắc tại sao, hay để làm gì", ông Obama thể hiện gương mặt ngạc nhiên, trong khi đề cập đến kịch bản đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã có lời lẽ cứng rắn và mỉa mai hơn khi nói về đảng Cộng hòa kể từ lúc rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.

Pennsylvania không phải lần đầu cử tri chứng kiến tông giọng mỉa mai của ông Obama. Tại Georgia, ông coi ứng viên Thượng viện Herschel Walker của đảng Cộng hòa là "người mang một huy hiệu giả đi lòng vòng như đứa trẻ chơi trò cảnh sát bắt cướp".

"Nếu bạn muốn ở trong phòng thí nghiệm tạo ra một chính trị gia tay sai của đảng Cộng hòa, nó sẽ trông rất giống người này", đó là lời của cựu Tổng thống Obama khi đề cập đến ông Blake Masters, ứng viên Thượng viện của đảng Cộng hòa tại bang Arizona.

Ở Wisconsin, việc ông Obama châm biếm Thượng nghị sĩ Ron Johnson nhận "huy chương vàng" cho những thuyết âm mưu đã được lan truyền rộng rãi.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden dường như không có nhiều câu nói tạo điểm nhấn. Ông đã chỉ trích dữ dội ông Trump cũng như những người Cộng hòa "ultra-MAGA" (chỉ người theo phong trào "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" có xu hướng cực đoan - PV). Song, thông điệp của ông Biden lại không mang tính châm biến.

Trước thông tin ông Trump nhiều khả năng sẽ tái tranh cử vào năm 2024, hai nhân vật quan trọng của đảng Dân chủ cũng không tiếc lời chỉ trích vị cựu tổng thống đảng Cộng hòa. Nhưng trái với việc ông Obama liên tục nêu đích danh ông Trump, Tổng thống Biden thường dùng những cụm từ "cựu tổng thống" hay "người tiền nhiệm" dù nói về cùng một vấn đề.

Điều thường thấy

Gabriel Debenedetti - tác giả của "The Long Alliance", cuốn sách mới được xuất bản nói về sự gắn kết giữa ông Biden và ông Obama - nói rằng sự khác biệt đến từ việc ông Obama ngày càng bất mãn với đảng Cộng hòa, và cảm thấy không cần phải kiềm chế trong ngôn từ. Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm vẫn cần phía đối lập để thông qua nhiều thỏa thuận lưỡng đảng.

Tổng thống đương nhiệm thường sẽ gặp những rào cản khi cần phải có sự thỏa hiệp với đảng đối lập trong một số dự luật. Ảnh: Reuters.

Cuộc hội ngộ của bộ đôi Biden - Obama tại Philadelphia có thể khiến phần thể hiện của cả hai ông bị đặt lên bàn cân so sánh. Tuy vậy, truyền thống cho thấy các cựu tổng thống thường mang lại cảm xúc tốt hơn so với lúc tại nhiệm.

Trong nhiệm kỳ của ông Obama, ông cũng không được đánh giá cao so với cựu Tổng thống Bill Clinton trong các cuộc vận động. Các cựu tổng thống cũng sẽ thoải mái đi lại các bang chiến địa để vận động hơn là tổng thống đương nhiệm - vốn thường có tỷ lệ ủng hộ xuống thấp (khảo sát của YouGov ngày 1/11 cho thấy ông Biden chỉ nhận được 45% mức độ yêu thích).

Do đó, ông Obama trong năm nay đã đi đến hàng loạt chiến trường quan trọng như bang Arizona, Georgia, Nevada, Michigan hay Wisconsin, trong khi Tổng thống Biden thường chỉ đến những khu vực vốn có truyền thống theo Dân chủ như California, Illinois hay New York, Reuters cho hay.

Cũng tại Pennsylvania hôm 5/11, ông Obama đã gợi lại những khó khăn của chính quyền đương nhiệm trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. "Khi tôi còn là tổng thống, tôi đã bị đánh bại trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Vì vậy, các cuộc bầu cử giữa kỳ không phải trò đùa".

"Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ"

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện Mỹ, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump trong cuộc đua trở thành tổng thống Mỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...