A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thế khó” khi bắt giữ siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga

Ở một góc yên tĩnh của French Riviera, miền Nam nước Pháp, nhà máy đóng tàu La Ciotat đang tính hóa đơn về phí neo đậu cho siêu du thuyền màu trắng cao ngất ngưởng Amore Vero, nhưng không biết gửi cho ai.

“Thế khó” khi bắt giữ siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga ảnh 1

Siêu du thuyền Amore Vero bị Pháp thu giữ nhưng hiện chưa rõ ai sẽ trả phí bảo dưỡng hay phí cầu cảng

Các nhân viên hải quan đã bắt giữ con tàu dài 86 mét này khi thủy thủ đoàn của nó chuẩn bị ra khỏi cảng vào đêm 2-3, hai ngày sau khi Liên minh châu Âu bổ sung ông Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft, vào danh sách trừng phạt vì cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng ông Sechin cùng Tập đoàn Rosneft đã bác bỏ điều này.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết, Pháp đã chính thức thu giữ chiếc Amore Vero, có nghĩa là Paris quản lý chiếc du thuyền còn chi phí do chủ sở hữu con thuyền chi trả. Tuy nhiên, khi các hóa đơn về phí neo đậu và bảo dưỡng chồng chất, một giám đốc điều hành tại La Ciotat cho biết, công ty không biết sẽ được thanh toán thế nào.

Các câu hỏi đặt ra liên quan đến du thuyền Amore Vero cho thấy mức độ phức tạp mà các nhà chức trách phương Tây phải đối mặt khi họ nhắm vào tài sản của các nhà tài phiệt Nga. Ở Liên minh châu Âu, ít nhất 11 siêu du thuyền thuộc sở hữu cá nhân là người Nga đã bị thu giữ theo lệnh trừng phạt. John Dalby, chủ sở hữu của Marine Risk Management, đơn vị thu hồi tài sản hàng hải thay mặt cho các công ty bảo hiểm và ngân hàng lý giải, các chính phủ ven bờ Địa Trung Hải chưa có kinh nghiệm nhiều về những phức tạp pháp lý của việc thu giữ siêu du thuyền này. “Ở đây thiếu sự gắn kết giữa các tổ chức nhà nước và các bên thứ ba khác, như các chủ nợ chẳng hạn”, ông Dalby nói. Ông Dalby nói rằng các chủ nợ của du thuyền bị tịch thu, như nhà cung cấp nhiên liệu hoặc công ty quản lý thủy thủ đoàn, có thể yêu cầu tòa án bán con tàu để thu hồi nợ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cho biết, chiếc Amore Vero đã cập cảng ở Pháp để được tân trang lại khi các lệnh trừng phạt được đưa ra. Nhưng đây là tài sản bị thu giữ chứ không chỉ đơn thuần là “đóng băng” vì con thuyền đã cố rời cảng, vi phạm chế độ trừng phạt của EU và vi phạm luật của Pháp. Công ty chuyên tân trang du thuyền hạng sang MB92 hiện cũng chưa nhận được khoản thanh toán đầy đủ của việc bảo dưỡng chiếc Amore Vero. Luật sư hàng hải Pascal Flot cho biết, chỉ riêng việc xác định quyền sở hữu siêu du thuyền là khó khăn lớn. Giới siêu giàu thường kiểm soát tài sản của họ thông qua một mạng lưới các công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế nước ngoài, như Amore Vero mang cờ của Quần đảo Cayman.

Bên cạnh đó, chi phí vận hành hàng năm của những siêu du thuyền lớn nhất có thể lên tới 10% giá trị của chúng, bao gồm lương của thủy thủ đoàn, tiền sửa chữa, nhiên liệu, thực phẩm, bảo hiểm, phí cầu cảng và các tiện ích trên bờ. Đơn cử như du thuyền Sailing Yacht A trị giá 540 triệu USD thuộc sở hữu của trùm phân bón và than Andrei Melnichenko vốn đang bị giam giữ ở cảng Trieste của Italia, chi phí vận hành của nó lên tới hàng triệu đô la mỗi tháng. Nhưng ở Italia, tài sản bị phong tỏa được một quản trị viên quản lý và chi phí bảo trì do cơ quan tài sản nhà nước chi trả. Sau đó, chủ sở hữu sẽ hoàn lại tiền hoặc nhà nước có thể bán tài sản để bù đắp chi phí. Còn tại Pháp và Tây Ban Nha, chi phí vận hành của một chiếc du thuyền bị đóng băng hoặc bị tịch thu vẫn thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu. Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng của họ thường bị đóng băng nên các chủ tàu bị xử phạt thường không thể thanh toán, ông Rachel Lynch thuộc hiệp hội thuyền viên Nautilus International cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết