A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Bê tông hóa" di tích đặc biệt Ngũ Hành Sơn?

Nhiều công trình được xây dựng bằng bê tông kiên cố tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nhưng đơn vị quản lý cho rằng vẫn giữ nguyên trạng.

Ngọn núi Thủy Sơn đang được xây dựng một công trình kiên cố trong nhiều ngày qua (Ảnh: V.Q)

Ngày 8/5, liên quan đến tình trạng "bê tông hóa" xảy ra tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Danh thắng Ngũ Hành Sơn, khẳng định di tích cơ bản vẫn đang được giữ nguyên trạng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong thời gian qua đã được đơn vị liên quan đầu tư nhiều hạng mục, công trình kiên cố nằm trong khuôn viên Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Ngoài công trình thang máy được đầu tư kiên cố bằng bê tông (tương đương tòa nhà cao 7 tầng) tại chân núi Thuỷ Sơn, phóng viên dễ dàng nhận thấy một số công trình khác trên núi Thủy Sơn đang bị "bê tông hóa" như tại khu vực cổng Tam Quan, chùa Linh Ứng.

Thang máy được đầu tư quy mô để phục vụ du khách lên núi Thủy Sơn (Ảnh: V.Q)

Khu vực chùa Thánh Hoàng cũng được một đơn vị đầu tư xây dựng cùng hệ thống dãy công trình bằng thép nhìn xuống đường Huyền Trân Công Chúa và đường Lê Văn Hiến (phường Hòa Hải).

Tại khu vực gần núi Kim Sơn và Hỏa Sơn, công trình có quy mô rất lớn là chùa Quan Thế Âm cũng đang được một đơn vị triển khai, xây dựng hoành tráng từ cách đây nhiều năm, đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Lý giải về tình trạng "bê tông hóa" như nội dung phóng viên đề cập bằng hình ảnh, ông Hiền cho rằng đơn vị liên quan chỉ xây dựng các hệ thống kè bảo vệ tại núi Thủy Sơn.

Cụ thể, tại khu vực cổng Tam Quan, chùa Linh Ứng, đơn vị thi công chỉ làm hệ thống kè chống sạt lở xuống bên dưới.

Nhan nhản các công trình bị "bê tông hóa" tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: V.Q)

Còn tại khu vực chùa Thánh Hoàng (núi Thủy Sơn), ông Hiền cũng khẳng định phía đơn vị liên quan cũng chỉ làm hệ thống kè dài vài chục mét để chống sạt lở đất xuống bên dưới nhằm bảo vệ diện tích chùa bên trong chưa được cấp phép.

Riêng hệ thống thang máy được xây dựng quy mô. Ông Hiền cho biết, công trình đã được đơn vị liên quan đồng ý cho xây dựng và đưa vào hoạt động cách đây đã hơn 10 năm.

Hiện nay, khu vực dọc đường Huyền Trân Công Chúa từ đường Lê Văn Hiến vào đến khu vực Ban Quản lý vẫn chưa được đơn vị liên quan thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng khiến môi trường và hạ tầng trở nên nhếch nhác.

Về thực trạng này, ông Hiền cho biết phía đơn vị vẫn đang chờ cấp trên vào cuộc xử lý nhằm sớm phục hồi, trùng tu di tích cấp quốc gia đặc biệt như tại Ngũ Hành Sơn.

Du khách tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn vào sáng 8/5 (Ảnh: V.Q)

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được bao bọc xung quanh bởi 5 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn trên diện tích khoảng 2km2.

Hiện nay, Danh thắng Ngũ Hành Sơn có 14 chùa, 5 động đang là điểm đến thu hút khách tham quan, nhất là khách quốc tế khi đến với TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đến với Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã giảm đến 47% so với cùng kỳ (khoảng 3.000 khách/ngày).

Lượng khách nội địa giảm mạnh nhất, trong khi lượng khách quốc tế vẫn chiếm đa phần khi đến tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1980. Đến năm 2018, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Hiện nay, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đang được UBND TP Đà Nẵng làm văn bản đề nghị đơn vị liên quan về việc đề nghị công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa thế giới.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết