Vấn đề pháp lý trong vụ HAGL kiện VPF
Theo luật sư, nếu muốn chứng minh VPF vi phạm, HAGL cần cung cấp tài liệu cho thấy đơn vị này đã có hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Trang phục thi đấu V.League 2023 của HAGL. Ảnh: HAGL
Ngày 7/2, TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khởi kiện Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Thông tin với Zing, Giám đốc điều hành Nguyễn Tấn Anh của HAGL cho biết mục đích khởi kiện là để đảm bảo quyền lợi của CLB và nhà tài trợ, yêu cầu VPF bỏ quy định về độc quyền tài trợ ngành hàng. Ngoài nội dung này, CLB cam kết không đòi bồi thường bất kỳ khoản thiệt hại nào.
Sau khi hồ sơ khởi kiện được tòa án tiếp nhận, vụ việc có thể diễn biến ra sao?
HAGL cần làm gì khi khởi kiện?
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) đánh giá trong trường hợp này, có 2 vấn đề cần làm rõ. Đó là quy định về nhà tài trợ độc quyền tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023) đã hợp lý hay chưa, và HAGL có biết về quy định này trước khi ký hợp đồng với Carabao không. Nếu có thể chứng minh VPF vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh 2018 và các luật liên quan, dẫn tới việc HAGL bị vi phạm hợp đồng với Carabao, đội bóng này có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường các thiệt hại mà hành vi vi phạm gây ra.
Trích dẫn khoản 2, Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018, ông Đức cho biết các hành vi bị cấm liên quan tới cạnh tranh bao gồm cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
Logo Carabao xuất hiện trên áo đấu của HAGL nhưng không đi kèm dòng chữ "nước tăng lực" bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ảnh: HAGL.
Theo quy định hiện nay, hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm 3 hành vi. Đó là Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và Lạm dụng vị trí độc quyền.
Điều 3 Luật này định nghĩa Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là "hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh"; Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là "hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh".
Còn theo Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm có thể kể tới như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng hay ngăn cản việc tham gia, mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác...
Về quy định tại Điều lệ giải, các Điều 3 và 39 Điều lệ V.League 2023 quy định Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kontum (doanh nghiệp sản xuất nước tăng lực Night Wolf) là nhà tài trợ chính của giải đấu, có ngành hàng độc quyền là nước tăng lực. Các CLB tham dự giải có quyền khai thác tài trợ các nhãn hàng và ngành hàng nhưng không cạnh tranh với Nhà tài trợ chính của giải kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF.
Từ những căn cứ trên, ông Đức đánh giá khó có thể coi Công ty Sâm Ngọc Linh Kontum là đơn vị có vị thế thống lĩnh thị trường hoặc có vị trí độc quyền trên thị trường nước tăng lực ở Việt Nam. Do đó, nếu cho rằng VPF và Sâm Ngọc Linh đã vi phạm Luật Cạnh tranh và các luật liên quan, HAGL cần cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại Điều lệ Giải về ngành hàng độc quyền của giải đấu có dấu hiệu của hành vi Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc Cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.
Khi nào vụ kiện được đưa ra xét xử?
Về thủ tục tố tụng, luật sư cho biết theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, sau khi tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, trong thời hạn 3 ngày làm việc từ ngày nhận đơn, Chánh án TAND quận Nam Từ Liêm sẽ phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc tiếp theo, thẩm phán sẽ xem xét và đưa ra các quyết định.
Về hồ sơ, bên cạnh đơn khởi kiện, phía HAGL cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ (VD: Quy định của Luật Cạnh tranh 2018 về độc quyền, Điều lệ V.League 2023, các giấy tờ chứng minh VPF vi phạm...) cùng hồ sơ pháp lý của pháp nhân và bản kê các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện.
Lãnh đạo CLB HAGL cho biết mục đích khởi kiện là để yêu cầu VPF thay đổi Điều lệ V.League. Ảnh: Quang Thịnh.
Nếu hồ sơ đã đầy đủ và việc khởi kiện đáp ứng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm phán sẽ ra quyết định thụ lý vụ án. Trường hợp hồ sơ khởi kiện chưa đầy đủ, thẩm phán sẽ yêu cầu bổ sung tài liệu liên quan còn nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, đơn khởi kiện sẽ được trả lại. Ngoài ra, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác, đơn khởi kiện sẽ được chuyển tới tòa án đúng thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện.
Trường hợp vụ án được thụ lý, chánh án sẽ phân công thẩm phán giải quyết vụ án trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của thẩm phán được phân công thụ lý.
Quá trình giải quyết vụ án, tòa án sẽ triệu tập các bên tới để hòa giải. Trong các phiên hòa giải, nếu HAGL và VPF đạt được thỏa thuận về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự, tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp không thể đạt thỏa thuận, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Do đây là vụ việc tranh chấp về kinh doanh, thương mại nên thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Căn cứ Điều 203 Bộ luật này, thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 2 tháng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, chánh án có thể ra quyết định gia hạn thời hạn xét xử thêm tối đa 1 tháng. Như vậy, thời hạn tối đa để đưa vụ án ra xét xử là 3 tháng, tính từ ngày tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.
Xung đột Hoàng Anh Gia Lai với VPF xuất phát từ việc đội bóng này có nhà tài trợ mới ở mùa giải 2023 là Carabao. Đơn vị này kinh doanh ngành hàng trùng với ngành hàng nước tăng lực của nhà tài trợ V.League 2023 độc quyền Night Wolf. Do đó, VPF cấm Hoàng Anh Gia Lai quảng bá nước tăng lực của nhà tài trợ đội bóng.
Trao đổi với Zing tối 2/2, bầu Đức cho rằng quyết định ban hành Quy chế BĐCN Việt Nam sửa đổi và bổ sung năm 2023 do Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn ký không nói gì về độc quyền, nhưng VPF lại nhận tài trợ độc quyền rồi cấm Hoàng Anh Gia Lai không được cạnh tranh cùng ngành hàng.
Trước mắt, cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai vẫn tập luyện và thi đấu bình thường để chuẩn bị cho trận gặp Bình Dương vào chiều 8/2 trên sân Bình Dương. Đội bóng cũng thay đổi, chỉnh sửa lại nhiều hạng mục liên quan đến hình ảnh nhà tài trợ theo công văn 31 của VPF để không bị phạt.