HLV Trần Thị Thu Hoài: Từ sân đấu quốc tế đến hành trình đào tạo tài năng trẻ
Với ba lần bước lên đỉnh vinh quang thế giới cùng những dấu ấn đậm nét tại ASIAN Games và SEA Games, HLV Trần Thị Thu Hoài đã trở thành biểu tượng tự hào của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, những ánh hào quang sân khấu ấy chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện đầy thú vị, giàu cảm xúc của cô.
Mới đây, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có dịp trò chuyện với HLV Trần Thị Thu Hoài - “cô gái vàng” cầu mây Hà Nội một thời để lắng nghe những tâm sự về hành trình mới mà cô đã chọn – hành trình của một người thầy, một người đồng hành đầy yêu thương của thế hệ cầu mây trẻ Việt Nam.
VĐV Trần Thị Thu Hoài - “cô gái vàng” của cầu mây Hà Nội tại King’s Cup 2022. Ảnh: NVCC
PV: Chào Thu Hoài, được biết đến với danh xưng “cô gái vàng của cầu mây Hà Nội”, cơ duyên nào đưa bạn đến với Đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam?
Thu Hoài: Việc mình đến với môn cầu mây là một chữ duyên. Năm 2006, khi cầu mây Việt Nam giành được 2 HCV ASIAD, mình vẫn đang ở nhà đi học bình thường. Lúc đó, mình xem TV và hỏi bố: “Bố ơi, người ta lấy đâu ra những người này để đi thi đấu?”. Hai năm sau, vào năm 2008, mình đã tìm được câu trả lời. Năm ấy, mình có đi đá cầu cho tỉnh và được ban huấn luyện Cầu mây Hà Nội tuyển lên Đội để tập luyện. Đến năm 2012, mình lọt vào “mắt xanh” của Đội tuyển Cầu mây Việt Nam. Từ đó đến nay, mình đã gắn bó với cầu mây một quãng đường khá dài. Cầu mây đã mang lại cho mình rất nhiều điều, từ rèn luyện bản thân cho đến những trải nghiệm quý báu khi thi đấu, tinh thần đoàn kết và hòa đồng khi tập luyện,... tất cả đã giúp mình có được như ngày hôm nay.
PV: Gia đình đóng vai trò như thế nào trong những bước tiến của bạn trên hành trình chinh phục cầu mây?
Thu Hoài: Ngay từ đầu, gia đình đã rất ủng hộ mình trong hành trình chinh phục cầu mây. Thời điểm mình được tuyển chọn vào đội tuyển, phía nhà trường, các thầy cô đã khuyên ngăn vì lực học của mình tương đối tốt nên thầy cô rất tiếc nếu như mình chuyển hướng sang thể thao. Thế nhưng bố mẹ lại rất tôn trọng mình, đồng thời ủng hộ và động viên rằng tất cả mọi quyết định đều nằm ở con. Thời gian đầu trong quá trình tập luyện vô cùng khó khăn vì mình còn nhỏ và đột nhiên phải xa gia đình, tất cả mọi thứ đều một mình. Khi ấy, gia đình luôn ở bên động viên và cho mình những lời khuyên vẫn theo mình từ tập luyện cho tới công tác huấn luyện như bây giờ.
PV: 16 năm gắn bó với cầu mây, hẳn là một hành trình đầy ắp những cung bậc cảm xúc. Bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí bạn không?
Thu Hoài: Trong suốt 16 năm gắn bó với cầu mây, mình đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, thắng có, thua có và vui có, buồn có. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với mình là vào năm 2013. Khi ấy, mình mới lên ĐTQG được một năm và chỉ là dự bị cho một chị lớn. Tuy nhiên, chị ấy không may đã bị chấn thương và mình có cơ hội được tung vào sân. Mình đã thể hiện rất tốt và giành được HCV ở nội dung đó. Đó là lần đầu tiên mình khẳng định được bản thân mình ở thời điểm ấy.
Tuy nhiên, ngay sau khi mình có được sự thành công nhất định như thế, mình lại có một sự thất bại ngay sau đấy trong ASIAD 2014. Chỉ trong vòng một năm, mình đã trải qua hai thái cực cảm xúc vô cùng trái ngược. Mình không biết do đã đánh giá bản thân chưa đúng hay phong độ chưa tốt mà lại có trận đấu không đúng với sức mình như vậy dẫn đến một sự thất bại trong giải đấu.
VĐV Trần Thị Thu Hoài (ngoài cùng bên phải) chụp cùng ĐTQG Cầu mây nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC
PV: Trên hành trình đầy nỗ lực, chắc hẳn có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại. Điều gì đã giúp bạn giữ vững niềm tin và tiếp tục tiến bước?
Thu Hoài: Nếu nói rằng chưa từng muốn bỏ cuộc thì là nói dối. Thực sự, để đi một quãng đường dài với vô vàn khó khăn và chông gai như vậy, cũng có những lúc mình thất bại và nghi ngờ bản thân rằng liệu khả năng có đi tiếp được nữa hay không? Hay chỉ đến đây thôi? Hay mình nên đi theo một con đường khác? Những lúc tập luyện mệt mỏi, sức khỏe của mình bị ảnh hưởng, áp lực, suy nghĩ không ăn không ngủ được, những lúc như thế mình đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng khi suy nghĩ tới hành trình mình đã đi đến tận bây giờ thì đây có thể chỉ là thử thách giúp bản thân có thể phát triển hơn nữa, mình lại "đánh cược", lại cố gắng và thử để xem có vượt qua được hay không, nếu vượt qua thì điều gì đang chờ đón tiếp theo?
PV: Từ “cô gái vàng” trên sân, giờ đây bạn đã trở thành một “người thầy” truyền cảm hứng. Vậy điều gì là “sợi chỉ đỏ” kết nối hai vai trò này, đâu là bài học lớn nhất mà bạn muốn truyền tải?
Thu Hoài: Thật ra, sự khác biệt không quá lớn, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau, vì trước đây mình cũng từng là đội trưởng. Do đó, việc bao quát và truyền đạt kinh nghiệm cho các em cũng không quá xa lạ. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là mình phải nắm bắt tâm lý của các em. Hiện tại, mình đang huấn luyện đội trẻ U20, và tâm sinh lý của các em đang trong giai đoạn thay đổi, nên mình phải tìm hiểu kỹ hơn.
Với vai trò huấn luyện viên, mình phải tìm cách để dạy các em, vì mỗi em là một cá thể riêng biệt, nên phải tìm ra phương pháp phù hợp cho từng em, để các em cùng phát triển. Điều đấy rất là khó đối với một huấn luyện viên. Từ trước đến nay, mình vẫn duy trì một quan điểm và khuyên mọi người rằng “đừng bao giờ bỏ cuộc”. Miễn là mình không bỏ cuộc, mình sẽ đi đến cái đích mà mình mong muốn. Chỉ cần không dừng lại, mình vẫn sẽ tiếp tục bước đi. Dù nhanh hay chậm, chúng ta vẫn sẽ đến được nơi mình muốn đến.
“Gia tài” trong hành trình chinh phục cầu mây trong hơn 16 năm của VĐV Trần Thị Thu Hoài. Ảnh: NVCC
PV: Khoảnh khắc nào trong sự nghiệp huấn luyện, khi nhìn thấy học trò của mình tỏa sáng, bạn cảm thấy mọi nỗ lực và tâm huyết của mình đã được đền đáp xứng đáng? Bạn có thể chia sẻ về khoảnh khắc ấy không?
Thu Hoài: Mình làm huấn luyện tính đến nay là năm thứ 3. Từ lúc làm huấn luyện, mình đã làm việc với các bạn trẻ trong độ tuổi 16-20, lứa tuổi mà tâm sinh lý có sự thay đổi và phát triển vượt bậc, các bạn ấy đang từ ngưỡng trẻ con chuyển lên trưởng thành. Mình dạy khoảng 15 bạn nhưng không bạn nào tính cách giống bạn nào. Có bạn rụt rè, có bạn năng nổ,… nhưng mà có một bạn mà tạo cho mình ấn tượng sâu sắc nhất.
Thời điểm mình nhận huấn luyện, khả năng đáp ứng tập luyện của bạn đấy được đánh giá chưa được tốt, thậm chí ban huấn luyện còn có ý định cho bạn ấy nghỉ vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Bạn ấy khá nhút nhát và dễ bị căng thẳng, nên dù tập luyện ổn nhưng khi thi đấu lại không thể hiện được hết khả năng. Mỗi lần thi đấu là một lần chấn thương, căng cơ, hoặc áp lực tâm lý. Điều này khiến bạn ấy mất đi tinh thần chiến đấu, tự ti và cảm thấy bản thân không làm được gì.
HLV Trần Thị Thu Hoài trong buổi huấn luyện đội Cầu mây trẻ tại Ratchaburi Takraw Club. Ảnh: NVCC
Với vai trò là huấn luyện viên, mình đã dành nhiều thời gian để trao đổi và bổ túc cho bạn ấy. Hiện tại, bạn ấy đã theo kịp đồng đội và trở thành một nhân tố quan trọng trong đội hình thi đấu của lứa trẻ cầu mây. Khi có thể phần nào giúp được học trò của mình tiến bộ lên, mình cảm thấy rất là vui. Mình giúp được vận động viên trẻ ấy tìm lại được sự tự tin vào thiên phú của bản thân và không để điều đó bị đánh mất bởi những yếu tố bên ngoài. Có thể nói, bằng sự sát sao của huấn luyện viên là mình và nghị lực của bạn ấy đã giúp người học trò nhút nhát ngày nào trưởng thành hơn rất nhiều, sẵn sàng gặt hái thành công trên đấu trường cầu mây năm nay.
PV: Theo Thu Hoài, thành công thực sự được định nghĩa như thế nào? Bạn cho rằng điều gì mang lại giá trị lớn hơn, chiến thắng hay quá trình nỗ lực?
Thu Hoài: Cá nhân mình thấy đây là một câu hỏi rất ý nghĩa, vì mình đã từng chia sẻ với học trò của mình trước đây. Mỗi người một quan điểm khác nhau, tuy nhiên mình sẽ quan trọng quá trình nỗ lực hơn sự chiến thắng. Ngay trong giải thi đấu vừa rồi ở Vũng Tàu, có những trận đấu các bạn ấy thi đấu chưa trọn vẹn với khả năng của bản thân, để thua những đối thủ được đánh giá là yếu hơn. Đối với mình, đây cũng là bài học cho cả đội vì chưa thể hiện được hết những gì mình có.
HLV Trần Thị Thu Hoài cùng đội tuyển Cầu mây nữ U20 tại Giải vô địch Cầu mây trẻ Quốc gia năm 2024. Ảnh: NVCC
Mình từng dặn học trò: “Đối với cô, thắng hay thua không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là các bạn được đá đúng sức của chính mình, dẫu có thua thì các bạn cũng có những bài học để rút kinh nghiệm. Các bạn có thể mắc lỗi, tuy nhiên các bạn định sai trong bao lâu? Nếu như thiếu sót lần này có thể bổ ích cho lần sau, thì điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu các bạn cứ tiếp tục sai, các bạn sẽ không còn thời gian để sửa chữa, và đến khi thi đấu lại, các bạn sẽ phải nuối tiếc vì không thể làm tốt vai trò của một vận động viên”.
Thực tế, thể thao thì luôn đi liền với thành tích, ai cũng muốn chiến thắng, nhưng không phải đội nào cũng có thể thắng được.
- Cảm ơn bạn đã chia sẻ!