Giới hạn và năng lượng mới của tuyển Việt Nam
Tuyển Việt Nam thu về những kết quả khả quan nhờ sự thay đổi táo bạo của huấn luyện viên Park Hang-seo trong thời gian gần đây.
Vòng loại thứ 2 và thứ 3 World Cup 2022 nối tiếp nhau đã nhanh chóng bào mòn lực lượng vốn rất mỏng của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, nhưng cũng giúp ông cởi mở hơn trong cách dùng người.
Giới hạn của những con người cũ
Đặc điểm của thầy Park là luôn đặt niềm tin trọn vẹn vào những cầu thủ đã được ông quen dùng. Đó là sự an toàn cần thiết nhưng đôi khi, nó khiến những lựa chọn của ông trở nên bó buộc và cứng nhắc.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam chỉ cần theo bước đội tuyển là nhận thấy ông Park dù ở giải đấu nào, với đối thủ nào cũng chỉ "khoanh vùng" khoảng 14-15 vị trí. Mọi sự xoay chuyển, hoán đổi chiến thuật hay nhân sự của ông đều không nằm ngoài những cái tên dễ đoán.
Nếu không vì chấn thương, những trụ cột đã cày ải suốt từ AFF Cup 2018 đến vòng loại World Cup 2022 như Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng sẽ đương nhiên có suất. Khi họ vắng mặt, ông Park lại đôn lên Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Vũ Văn Thanh thành các chốt chặn không thể thay thế, bất chấp họ có những trồi sụt thất thường.
Không chỉ ở hàng phòng ngự, nhân lực tuyến tiền vệ và tiền đạo đối với ông Park cũng tương đối nghèo nàn. Mòn mỏi vẫn là Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tiến Linh, may sao có thêm Nguyễn Hoàng Đức vụt sáng ở sân chơi châu lục. Người ta đã nói quá nhiều về sự sa sút của Phan Văn Đức, nhưng thầy Park tuyệt đối kiên nhẫn với tiền vệ SLNA, sử dụng anh bất cứ khi nào có thể.
Quang Hải là trường hợp bền bỉ hiếm hoi của tuyển Việt Nam. Ảnh: Reuters
Phong cách dụng binh của thầy Park khiến các đối thủ vốn đã trên tài không cần tốn quá nhiều nghiên cứu cũng "đọc" được tính toán của tuyển Việt Nam. Nó dẫn đến hệ lụy là chúng ta bất lực trước lối chơi của họ và cũng không triển khai nổi lối chơi của chính mình.
Chúng ta nhìn xuyên suốt vòng loại thứ 3 World Cup 2022, thất vọng lớn nhất chính là nhóm cầu thủ HAGL. Mặc dù CLB phố núi thăng hoa ở V.League, những đứa con bầu Đức lại lạc nhịp trên đội tuyển.
Xuân Trường và Văn Toàn hầu như nằm ngoài mọi phương án của thầy Park. Tuấn Anh có vài trận chơi khá tốt, nhưng không đủ vững chãi cho nhiệm vụ đánh chặn từ xa. Công Phượng, Văn Thanh, Hồng Duy cũng được dùng khá thường xuyên, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với thời gian xuất hiện trên sân.
Thứ mà thầy Park trông đợi nhất là sự liên kết giữa đám trẻ đã chơi bóng với nhau từ tấm bé thì lại không xuất hiện. Cách phối hợp nhanh, nhỏ, ngắn của họ tỏ ra lạc hậu trước những đối thủ ở trình độ cao hơn, không những thế còn thiếu an toàn mỗi khi bị quây ráp và mất bóng.
Quang Hải xét cho cùng cũng không tỏa sáng như người ta kỳ vọng ở anh. Cầu thủ Hà Nội quá nhỏ bé cả về nghĩa đen và nghĩa bóng khi phía bên kia thường xuyên là những người khổng lồ châu Á.
Mọi thứ có rạng rỡ lên đôi chút khi Hùng Dũng trở lại sau chấn thương và đóng vai trò gạch nối chuyển trạng thái giữa công và thủ. Bộ đôi Hùng Dũng - Hoàng Đức bắt đầu mang đến nhiều hy vọng hơn, thì quỹ 10 trận đấu cũng vừa vơi cạn.
Làm mới nguồn năng lượng
Nếu chúng ta lấy Tết Nguyên đán 2022 làm cột mốc, phong độ tuyển Việt Nam trước và sau là sự khác biệt lớn lao, trước là chuỗi 7 trận toàn thua, sau là đủ hương vị thắng, thua, hòa, trong đó chiến thắng trước tuyển Trung Quốc và hòa Nhật Bản là những kỳ tích sẽ đi vào lịch sử.
Mấu chốt của sự khác biệt nằm ở những thay đổi về nhân sự của thầy Park (dù chủ động hay bị động). Những chấn thương, thẻ phạt và cả sự hoành hành của dịch Covid-19 buộc thuyền trưởng người Hàn Quốc phải phá vỡ bộ khung cũ kỹ của mình.
Hậu vệ Hồ Tấn Tài không phải người xa lạ với HLV Park Hang-seo, tài năng của anh đã được kiểm chứng qua U23, nhưng để chiếm được vị trí thường xuyên trên tuyển, thì anh phải đợi đến một nửa vòng loại thứ 3 World Cup. Cánh của Tấn Tài không quá mạnh trong phòng thủ, đặc biệt là ngăn chặn những đường tạt biên, nhưng anh có ưu điểm tham gia phản công, tấn công hiệu quả. Sự phiêu lưu của Tấn Tài thực sự là nét đột phá trong lối chơi vốn có phần rụt rè, bế tắc của thầy Park.
Tiền đạo Phạm Tuấn Hải cũng vậy, anh xuất hiện như một làn gió mới, mạnh mẽ và độc lập nhưng lại không hề ích kỷ. Tuyển Việt Nam có Tuấn Hải là có máy chạy không mệt mỏi, điều đó tạo ra sức sống đa dạng hơn hẳn cho hàng công, mà Tiến Linh là người hưởng lợi trực tiếp.
Những thử nghiệm mới của thầy Park giúp tuyển Việt Nam thu về tín hiệu tích cực trong thời gian qua. Ảnh: Reuters
HLV Phạm Minh Đức, thầy cũ của Tuấn Hải ở CLB Hà Tĩnh, hẳn không thể quên sự chờ đợi gần như vô vọng của cậu học trò. Hải nhiều lần được gọi lên tuyển trong cơ chế tập luyện cởi mở của thầy Park, nhưng cũng như bao nhân tố mới, anh bị đóng cửa khi chuẩn bị vào các cuộc đấu chính thức.
Bước ra ánh sáng như Tuấn Hải, muộn còn hơn không, vì nó sẽ mở đường cho nhiều thay đổi. Sau Tuấn Hải, đến lượt bộ đôi Nguyễn Thanh Bình - Bùi Hoàng Việt Anh được ông Park trao suất đá chính cùng nhau lần đầu tiên ở trận gặp Nhật Bản.
Họ đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này để chiếm được lòng tin của thầy Park, cũng như khẳng định vị trí trụ cột ở U23 Việt Nam sẽ dự SEA Games 31 sau đây hơn một tháng. Đặc biệt, Thanh Bình với bàn thắng để đời vào lưới thủ thành Kawashima, đã rũ bỏ hoàn toàn những ám ảnh từ trận thua tuyển Trung Quốc ở lượt đi.
Sự trưởng thành của những gương mặt không quá cũ hy vọng sẽ giúp thầy Park có cái nhìn phóng khoáng hơn về lực lượng mà ông dày công "nhặt" về từ khắp các sân quốc nội. Trong tay ông vẫn còn nhiều cầu thủ chưa được thử thách xứng đáng ở cấp độ đội tuyển, như Lý Công Hoàng Anh, Adriano Schmidt, Nguyễn Hữu Tuấn, Tô Văn Vũ.
Từ trước đến nay, ông Park quan niệm cầu thủ mới phải gây được ấn tượng thì ông sẽ sử dụng. Lúc này, có lẽ tư duy ấy cũng cần đôi chút điều chỉnh, tại sao ông không chủ động sử dụng cầu thủ mới để họ gây ấn tượng?
Sau trận hòa "chấn động" trên sân Nhật Bản, ông Park bày tỏ mong muốn tuyển Việt Nam có thành tích tốt hơn ở vòng loại World Cup tiếp theo, nhưng ông cũng băn khoăn liệu thời điểm đó mình còn tại vị hay không.
Dù vẫn là ông hay một thuyền trưởng khác, lực lượng của chúng ta luôn cần sự đa dạng, đủ "chất" và có chiều sâu thì mới mong hiện thực hóa giấc mơ World Cup. Nếu chúng ta không bồi đắp lực lượng ngay từ lúc này, e rằng World Cup 2026 vẫn còn xa lắm.