'Giải mật ngoại hạng Anh' và câu chuyện phát triển bóng đá Việt Nam
Từ việc phân tích bức tranh của giải Ngoại hạng Anh, các diễn giả bước đầu bàn luận đến việc kinh doanh của bóng đá nước nhà.
Cuối tuần này, mùa bóng thứ 30 của giải Ngoại hạng Anh, giải đấu vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh, Premier League 2022/23 sẽ khởi tranh. Nhân dịp này, một buổi trò chuyện quanh cuốn sách Giải mật ngoại hạng Anh với chủ đề: "Bóc trần" chiến lược kinh doanh tối mật của Ngoại hạng Anh" đã được thực hiện.
Chiếc cup Premier League. Ảnh: goal
Vì sao giải Ngoại hạng Anh có bước phát triển nhảy vọt?
Tại buổi trò chuyện, ba vị diễn giả (bình luận viên Trương Anh Ngọc; ông Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch một trung tâm bóng đá, ông Lê Quốc Vinh và host Nguyễn Cảnh Bình) đã có những chia sẻ xung quanh bức tranh kinh doanh và sự bứt phá ngoạn mục của giải Ngoại hạng Anh.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết khi cuốn sách Giải mật ngoại hạng Anh phát hành tiếng Việt, ông rất thích thú. Cuốn sách nói đến việc giải Ngoại hạng Anh ra đời như thế nào, xuất phát điểm của nó ra sao, làm thế nào mà trong vòng 30 năm nó trở thành một hình mẫu, một hiện tượng lớn mang tính toàn cầu. Ngoại hạng Anh vừa là một hình mẫu về kinh doanh, vừa là hình mẫu về bóng đá, về giải trí.
Các diễn giả tham gia buổi nói chuyện hôm 29/7. Ảnh: A.B
Nhà báo cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình về giải đấu này, anh cho biết trong quá trình đi theo bóng đá, có lần anh đến sân Alfield của Liverpool và anh được chứng kiến những điều tuyệt vời.
"Trời thì xanh, sân cỏ thì tuyệt vời, khán giả thì hát hò. Trong khi đó, 30 năm trước, Liverpool là một nỗi tủi nhục của bóng đá Anh. Sau thảm kịch Heysel (1985), đội bóng này còn bị loại ra khỏi các giải bóng đá châu Âu trong vòng 5 năm liền", bình luận viên Trương Anh Ngọc nói.
Chia sẻ về lý do chọn cuốn Giải mật ngoại hạng Anh để xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books - cho biết đơn vị ông muốn mang những bài học, kinh nghiệm, câu chuyện đến với những người làm bóng đá.
Khi đọc cuốn sách này, ông Bình nghĩ giải Ngoại hạng Anh xa xôi lắm. Nhận định của ông thay đổi khi nhận ra có nhiều đế chế được thành lập bằng trí tuệ hoặc ý chí sáng tạo, hay nhiều doanh nhân đi lên từ bàn tay trắng, hoặc là một số vốn ít ỏi.
"Cuốn sách cũng giúp cho tôi có thêm niềm tin và hiểu rằng hành trình vươn mình trỗi dậy của bóng đá Việt Nam là có thể và hành trình này rất cần những người có tư duy kinh doanh bóng đá", ông Bình nói.
Đề cập đến yếu tố chính đưa giải Ngoại hạng Anh có bước phát triển nhảy vọt, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết trong phần đầu cuốn Giải mật ngoại hạng Anh, các tác giả đã nói đến mục tiêu ra đời giải ngoại hạng là biến bóng đá Anh thành một sản phẩm.
Trước đó bóng đá Anh không phải là một sản phẩm. Để có được giải ngoại hạng Anh như bây giờ, những người làm bóng đá đã phải đấu tranh kịch liệt với cả cái tư duy bảo thủ. "Tư duy bảo thủ là gì, là ngày xưa người ta không thích bóng đá trên truyền hình. Người ta chỉ quan tâm đến những người đến sân và người ta không nghĩ rằng là cái giải đấu này nó cần phải được khuếch trương ra nước ngoài", nhà báo Trương Anh Ngọc nói.
Nhà báo cũng chia sẻ trong cuốn Giải mật ngoại hạng Anh có một câu chuyện rất buồn cười, nhưng nó là sự thật. Ông Arsène Wenger khi đến CLB Arsenal thì việc đầu tiên ông ta xử lý là cái toilet sân vận động Hightbury. Và ông cho rằng là một cái sân vận động đẹp thì cái toilet phải sạch sẽ, thơm tho, làm như thế nó mới cuốn hút được khán giả.
Như vậy, có thể người ta đã làm tất cả thay đổi tư duy bảo thủ xem bóng đá, đồng thời, tiến hành xử lý tất cả các dịch vụ, từ cái nhỏ nhất xử lý cái toilet trở đi.
"Trên thực tế thì vào năm 1992-1993, khi mà giải ngoại hạng Anh ra đời với một cuộc cách mạng của Đài BSkyB, đài này phát các trận đấu của giải ngoại hạng Anh trên các kênh của họ. Những gì mà chúng ta đang xem ở giải ngoại hạng Anh hàng tuần, từ góc máy, cảnh quay… là sản phẩm của chủ trương đó.
Nhiều giải lớn trên thế giới cũng học theo góc máy của giải Ngoại hạng Anh. "Tóm lại đây là một cuộc cách mạng biến bóng đá thành một sản phẩm mang tính toàn cầu. Cuộc cách mạng ấy là cuộc cách mạng tư duy", nhà báo Trương Anh Ngọc nói.
Vấn đề của bóng đá Việt Nam
Từ việc phân tích bức tranh của giải Ngoại hạng Anh, các diễn giả bước đầu bàn luận đến việc kinh doanh bóng đá nước nhà. Trước khi phân tích câu chuyện này, các diễn giả đã chỉ ra những thách thức lớn của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Theo nhà báo Trương Anh Ngọc một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là nhiều người yêu bóng đá không có cảm giác đội bóng thuộc về mình.
Sách Giải mật Ngoại hạng Anh. Nguồn: Alpha Books
Lấy ví dụ về việc này, nhà báo cho biết, trong các giải bóng đá của chúng ta chỉ có một vài đội bóng mang tính địa phương thực sự: Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Nhà báo cũng cho biết bóng đá Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc bể dâu. Trong rất nhiều năm qua, kể từ ngày lên chuyên, chúng ta đã thay đổi từ một đội bóng của địa phương, một đội bóng của ngành thành đội bóng của những ông chủ. Có những đội bóng từ Hà Nội vào TP.HCM, rồi quay ngược trở lại Hà Nội, đổi tên liên tục...
Tại sao bóng đá Anh thành công được? Yếu tố đầu tiên đó chính cái tên của đội bóng gắn liền với một địa phương. Trong khi các đội bóng của chúng ta lại gắn với các thương hiệu.
Chia sẻ ý kiến của nhà báo Trương Anh Ngọc, ông Lê Quốc Vinh cho rằng vấn đề tồn tại trên là do tư duy kinh doanh hợp tác với các thương hiệu của các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh khác chúng ta. Ví dụ ông David Dein nghĩ đến việc các công ty thể thao may áo cho Arsenal phải trả tiền cho CLB để có thương hiệu trên áo đội bóng. Còn ở chúng ta lại tận dụng hình ảnh của đội bóng để quảng bá cho thương hiệu. Và thương hiệu trả một khoản tiền nhất định để được cái quyền đó.
Liên quan đến việc này ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng không phải các đội bóng muốn ghép tên, mà do nếu không làm như vậy thì rất khó có tiền để duy trì đội bóng.
Thách thức lớn của bóng đá Việt Nam hiện nay đó là chuyển trạng thái từ làm bóng đá sang kinh doanh bóng đá. "Trong cuốn Giải mật ngoại hạng Anh có một đoạn viết khiến ta liên tưởng các đội bóng của Việt Nam hiện nay y hệt những đội bóng Anh vào những năm 1960; nơi các ông chủ giàu có thỉnh thoảng lại thưởng mấy nghìn USD cho đội bóng (thưởng nóng)", ông Nam nói.
Bàn thêm về vấn đề này, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết ngay giải chuyên nghiệp Việt Nam V-league có từ năm 2001, nhưng giải đấu này có rất nhiều cái tên của các nhà tài trợ. Các ông chủ chỉ làm bóng đá chứ chưa kiếm tiền từ bóng đá, vì họ không coi đó là một sản phẩm kinh doanh.
Họ coi và luôn dùng bóng đá để khuếch trương thương hiệu, là cái cầu bật để làm những việc khác. Cho nên khi một nền bóng đá chuyên nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào túi tiền của các ông bầu thì nó sẽ không sinh ra lợi nhuận.
Nhìn Premier League là một sản phẩm kinh doanh, ta thấy các đội bóng đặt vấn đề lỗ lãi lên hàng đầu. "Chỉ khi các ông bầu đội bóng coi bóng đá là một sản phẩm kinh doanh thì nền bóng đá mới đi lên được. Tôi đã thấy có nhiều hoạt động nhen nhóm lên câu chuyện này ở một số đội bóng, tuy nhiên nó chưa đem lại hiệu quả thực sự", nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ.
Hầu hết diễn giả đều có chung một suy nghĩ, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều tồn tại, và để giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều.
Theo ông Lê Quốc Vinh, để thay đổi, điều đầu tiên các ông bầu cần tư duy bóng đá là một sản phẩm bán được, đồng thời tuyển chọn những người làm marketing chuyên nghiệp để đem sản phẩm đến khách hàng và nâng giá trị thương hiệu của đội bóng.