Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân: Tiền đề cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc
Trước khi kết hôn, nếu được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là tiền đề để các cặp đôi có được cuộc sống hạnh phúc dài lâu.
Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc. Việc làm này giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này. Tại Việt Nam, trước khi bước vào hôn nhân, nhiều cặp đôi đã có ý thức trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và đang trở thành một xu thế phổ biến ở các thành phố lớn.
Theo các bác sỹ, tiếp cận tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống sau hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh còn tiềm ẩn trong cơ thể, chuẩn bị sức khỏe thật tốt để mang thai và sinh con.
Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở của người phụ nữ, tạo tiền đề cho sự ra đời của những em bé khỏe mạnh sau này. Trong trường hợp một trong hai người gặp vấn đề về sinh sản, bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý. Nếu không biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và bạn đời, hai bạn không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra sau khi về chung một nhà: vợ hoặc chồng vô sinh, bị bệnh truyền nhiễm, con sinh ra dị tật… Khi đó, tình cảm vợ chồng bị ảnh hưởng, khó có thể chung sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta nhiều cặp đôi trong độ tuổi kết hôn, độ tuổi sinh sản chưa coi trọng vấn đề này, nhất là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân lại càng gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong đó có đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cụ thể, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030". Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, giảm bình quân từ 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; ít nhất 35% thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phát hiện các bệnh về truyền nhiễm, HIV;…
Từ năm 2013, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 63/63 tỉnh thành. Đến nay, mô hình đã cho ra đời hàng ngàn CLB tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với hàng trăm ngàn thanh niên thành viên, đã chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng triệu lượt người.
Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp nam, nữ trong cuộc sống hôn nhân mà có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới. Bởi vậy việc chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe là đã và đang góp phần cùng chung tay với ngành Dân số nâng cao chất lượng giống nòi trong tương lai, phát triển chất lượng dân số quốc gia.