A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ nhỏ mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ nhưng sẽ biến chứng khôn lường nếu bố mẹ mắc sai lầm này

Các chuyên gia nhận định, thông thường trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Tuy nhiên, bố mẹ cần biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ đúng cách để bệnh nhanh khỏi cũng như hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.

Nhóm trẻ nào dễ diễn tiến nặng khi mắc COVID-19?

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng nhanh, đặc biệt là tại Hà Nội, trong đó, có nhiều trẻ nhỏ. Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Theo ThS.BS Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.

Trẻ nhỏ mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng nếu bố mẹ mắc sai lầm khi chăm sóc, nguy cơ gây biến chứng khôn lường cho trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, nhóm trẻ mắc COVID-19 dễ diễn tiến nặng gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; trẻ mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gen; trẻ bị béo phì; mắc bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt.

Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; trẻ bị bệnh thận mạn tính; mắc các bệnh lý huyết học; trẻ điều trị corticoid kéo dài… cũng là nhóm nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19.

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà đúng cách

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trường Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thông thường, trẻ mắc COVID-19, không có triệu chứng hoặc chỉ sốt đơn thuần không kèm triệu chứng thì không đáng lo ngại, triệu chứng sốt sẽ giảm sau 3 ngày. Trẻ sốt chính là lúc cơ thể huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại virus ra khỏi cơ thể.

Nếu trẻ sốt chưa đến 38,5 độ C, không chán ăn, bứt rứt thì không dùng thuốc hạ sốt, có thể chườm bằng khăn mềm, bổ sung nước và dinh dưỡng.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ dùng paracetamol hạ sốt cho trẻ tương tự như khi trẻ không mắc COVID-19. Cho trẻ uống cách 4-6 giờ một lần kèm chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đủ nước. Khi trẻ sốt, bố mẹ bỏ bớt quần áo, tã bỉm, đặt trẻ ở phòng thoáng khí và mát mẻ.

Trường hợp trẻ khó thở do tắc mũi, giảm hoặc mất khứu giác, bố mẹ nhỏ mũi bằng nước muối ấm khoảng 5 - 6 lần và dùng các lọ xịt như Otriven hoặc Otrivin (theo hướng dẫn của bác sĩ). Trẻ đau rát họng, có thể giúp bé làm sạch họng bằng nước muối sinh lý.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước trái cây như: Cam, táo, dưa hấu; uống mật ong pha loãng (trẻ lớn hơn 1 tuổi), oresol; cho trẻ ăn nhiều protein và tăng cường thêm các chất khoáng, đặc biệt là vitamin C, D nhóm B và kẽm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ mắc COVID-19 bị sốt, nhiều bố mẹ lo lắng nên cho trẻ uống xen kẽ hai thuốc là paracetamol và ibuprofen để hạ sốt nhanh hơn. Một số trường hợp tự ý cho uống kháng sinh do trẻ sốt quá cao, khó chịu, quấy khóc. Tuy nhiên, đây là những việc làm sai lầm khiến trẻ nặng thêm.

Trẻ nhỏ mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng nếu bố mẹ mắc sai lầm khi chăm sóc, nguy cơ gây biến chứng khôn lường cho trẻ - Ảnh 3.

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà đúng cách để nhanh khỏi bệnh. Ảnh minh hoạ

Đề cập đến những khuyến cáo khi chăm sóc trẻ nhỏ mắc COVID-19 tại nhà, trong Bộ tài liệu hướng dẫn chăm sóc trẻ em nhiễm COVID-19 tại nhà của Bệnh Viện Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia lưu ý, bố mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc cho con khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị ho, đau họng, chỉ sử dụng thuốc ho khi thật sự cần thiết, đúng chỉ định.

Không dùng thuốc ức chế ho cho trẻ dưới 6 tuổi; không dùng thuốc loãng đờm cho trẻ dưới 2 tuổi. Đồng thời khuyến cáo nên dùng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược, an toàn lành tính cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cho con dùng oresol để bù nước cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý oresol phải pha đúng tỷ lệ mới đem lại hiệu quả và không gây hại cho trẻ.

Đặc biệt, tài liệu nhấn mạnh, không dùng corticoid và thuốc chống đông cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ. Cùng với đó, không dùng thuốc Molnupiravir cho trẻ dưới 18 tuổi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần tuân thủ đeo khẩu trang; kính che giọt bắn; hạn chế đưa tay lên mũi, mắt, miệng... để đề phòng lây nhiễm chéo. Những người sống chung trong cùng một gia đình cũng cần chuẩn bị các loại thuốc và trang thiết bị cần thiết như: cặp nhiệt độ, máy đo SpO2, thuốc hạ sốt…

Để phòng ngừa COVID-19, đối với những trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19, cần đưa trẻ đi tiêm vaccine theo chỉ định của bác sĩ. Những trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vận động thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tránh nguy cơ mắc bệnh.

Khi nào đưa trẻ mắc COVID-19 tới bệnh viện?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với trẻ nhỏ khi mắc COVID-19, các dấu hiệu chuyển nặng, cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay gồm: Thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái đầu môi, đầu chi; SpO2 < 95%.

Ngoài ra, khi trẻ có 1 trong 8 triệu chứng bất thường sau, bố mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế để đươc hướng dẫn: Sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; tức ngực; mệt, không chịu chơi; cảm giác khó thở; SpO2 < 96%; ăn/bú kém.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...