Thêm 1 loại lá chữa bệnh xương khớp cực tốt, đây là 7 bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu tại nhà bạn nên biết
Xương sông là cây thuốc quý được áp dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh tại nhà. Tuy nhiên, do có tính dược liệu cao nên cần tránh áp dụng sai cách vì có thể làm bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Lá xương sông được xem là một loại gia vị được nhiều bà nội trợ ưa dùng trong thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, trong y học, đây còn được coi là vị thuốc quý.
Trong nhiều nghiên cứu, lá xương sông có chứa 0,24% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là methylthymol (chiếm 94,96%). Ngoài ra còn có p-cymene (chiếm 3,28%), limonen (chiếm 0,12%). Các hoạt chất này có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với bệnh xương khớp. khi được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách.
Theo y học cổ truyền, lá xương sông có vị đắng cay, tính ấm. Do đó, có thể sử dụng loại lá này để trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, chỉ thống, tiêu thũng, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, lá xương sông cũng mang đến tác dụng rất tốt trong việc chữa cảm sốt, ho, viêm họng, mề đay, nôn mửa, đầy bụng…
Theo một số tài liệu nước ngoài, nước sắc xương sông có tác dụng chữa sốt rét, cảm cúm, phù thũng. Lá hoặc cây xương sông còn dùng làm thuốc trị chứng ra mồ hôi và viêm họng.
Ở Malaysia, lá xương sông giã nát sao nóng chườm lên những nơi đau nhức do thấp khớp.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), người ta dùng lá trị phong thấp, sản hậu đau khớp xương, đau đầu phong và đòn ngã.
Ở Hải Nam, người ta dùng cả cây bỏ rễ trị viêm phế quản, lở loét, viêm miệng và dùng làm thuốc ra mồ hôi.
7 bài thuốc chữa bệnh tại nhà bằng lá xương sông
Chữa bệnh xương khớp
Khi bị đau nhức xương khớp, bạn có thể lấy lá xương sông giã nát sau đó sao nóng rồi chườm lên vùng đau nhức hoặc viêm tấy. Bạn cũng có thể bó lá tại chỗ, để qua đêm càng tốt. Số lượng lá xương sông tùy thuộc vào vùng bị đau nhỏ hay lan rộng.
Chữa viêm họng
Với bài thuốc này, bạn dùng từ 5 - 10 lá xương sông bánh tẻ, rửa sạch để ráo nước sau đó đập nhẹ để giải phóng tinh dầu. Tiếp đó, bạn nhúng vào giấm để ngậm. Kiên trì thực hiện liên tục trong khoảng 1 tuần, bạn sẽ thấy đỡ viêm họng hơn. Thậm chí với các trường hợp viêm amidan, viêm thanh quản, trường hợp đã mất tiếng… cũng rất hiệu nghiệm.
Chữa ho thông thường
Nếu ho do cảm lạnh, bạn có thể dùng lá xương sông kết hợp cùng lá húng chanh, lá hẹ, mỗi thứ 10g, sau đó bạn cho tất cả nguyên liệu trên vào hấp với đường phèn hoặc mật ong, sau đó ngậm nhiều lần trong ngày.
Chữa đầy bụng, khó tiêu
Khi gặp trường hợp này, bạn có thể chuẩn bị 30g lá xương sông, 30g tía tô, sinh khương 10g, hậu phác 10g, chỉ xác 10g, trần bì 10g. Sau đó, bạn đem sắc với 3 bát nước, đun sôi trong 10 phút rồi rót ra bát uống dần.
Chữa đau nhức răng
Bạn sử dụng 20g rễ xương sông rửa sạch phơi khô, hoàng liên 10g, sau đó cho vào chai ngâm với rượu trong khoảng 10 ngày là có thể dùng được, sau đó dùng bông chấm thuốc bôi vào răng lợi.
Chữa dị ứng ngoài da
Với bài thuốc này, bạn cần dùng lá xương sông, lá khế với lượng bằng nhau (khoảng 5 - 10 lá), lá chua me đất lượng bằng 1/2 lá xương sông. Sau đó, bạn đem đi rửa sạch, giã nát, hòa nước uống còn bã xoa lên chỗ nổi mề đay. Kiên trì thực hiện đều đặn hằng ngày sẽ thấy tình trạng dị ứng, mề đay thuyên giảm.
Chữa chảy máu cam
Khi bị chảy máu cam, bạn có thể dùng 2 - 3 lá xương sông rửa sạch, vò nát rồi nhét vào lỗ mũi, đây là mẹo dân gian rất công hiệu mà bạn có thể áp dụng.
Dùng lá xương sông để chữa bệnh bao nhiêu là đủ?
Mặc dù lá xương sông được sử dụng làm gia vị và thực phẩm trong đời sống hàng ngày, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, y học cổ truyền có quan điểm “thái quá sinh bất cập”, nghĩa là dù tốt và lành đến mấy nhưng khi dùng quá mức thì vẫn sinh tai họa.
Để an toàn, tốt nhất bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ đông y về liều lượng, cách dùng, thời gian điều trị... trước khi dùng, đặc biệt trong trường hợp bạn mong muốn dùng lá xương sông để trị bệnh trong thời gian dài.
Lưu ý, khi dùng lá xương sông để chữa bệnh đường hô hấp như viêm họng, ho, nhiều đờm,... Nếu thấy các triệu chứng dai dẳng không đỡ, thậm chí nặng lên, bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để có thể xác định căn nguyên gây bệnh và được điều trị bằng các phương pháp phù hợp.