Tập trung rà soát trẻ chưa tiêm đủ vaccine
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu rà soát và tổng hợp số lượng trẻ em là đối tượng tiêm chủng của năm 2022-2023 chưa tiêm vaccine sởi, rubella để tổ chức tiêm bù, tiêm vét.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5 - 12/4), toàn thành phố ghi nhận 13 ca mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận ca tử vong, giảm 1 trường hợp so với tuần trước đó.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố là 570 ca, không ghi nhận ca tử vong, số mắc cao chủ yếu tập trung trong tháng 1/2024 với 408 trường hợp.
Ảnh minh họa |
Đối với dịch bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 161 trường hợp mắc, không ghi nhận ca tử vong, tăng 37 trường hợp so với tuần trước.
Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện, trong đó một số địa bàn có nhiều bệnh nhân gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 585 trường hợp, không ghi nhận ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (358/0).
Bệnh ho gà ghi nhận 7 trường hợp mắc tại 7 quận, huyện gồm Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Trì; không ghi nhận ca tử vong, số mắc tương đương tuần trước.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, không ghi nhận ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh nhân là trẻ em dưới 2 tháng tuổi chiếm 52,2%, trong đó chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh chiếm 70% số ca mắc.
Một số dịch bệnh khác ghi nhận trong tuần trên địa bàn thành phố như thủy đậu 47 trường hợp, không ghi nhận ca tử vong, giảm 5 ca so với tuần trước; bệnh sởi, rubella, uốn ván, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Trong tuần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế các quận, huyện, thị xã. Kiểm tra giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại huyện Ba Vì và Đông Anh.
Các đơn vị tổ chức giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại các xã, phường: Kim Chung, An Khánh (huyện Hoài Đức); Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Đại Kim, Hoàng Liệt, Định Công (quận Hoàng Mai); Phương Canh (quận Nam Từ Liêm).
Nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, số mắc sốt xuất huyết được dự báo tiếp tục ghi nhận ở mức thấp, hầu hết là các ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch.
Bệnh ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gia tăng như tay chân miệng, thủy đậu, sởi, rubella, nghi cúm A/H5N1.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch, trong tuần tới, thành phố đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xử lý dịch triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.
Các đơn vị rà soát và tổng hợp số lượng trẻ em là đối tượng tiêm chủng của năm 2022-2023 chưa tiêm vắc xin sởi, rubella để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo kế hoạch.
Các đơn vị tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh.
Các đơn vị tổ chức giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại các quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Phú Xuyên; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Các đơn vị phối hợp với ngành thú y để theo dõi tình hình dịch trên động vật, đặc biệt là cúm gia cầm và bệnh dại; triển khai các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.