A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh, cảnh báo nguy cơ "dịch chồng dịch"

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện.

Số ca mắc tay chân miệng trong 1 tuần bằng số ca mắc cộng dồn 5 tháng đầu năm

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Sóc Sơn (21); Mê Linh (18); Chương Mỹ (17); Đống Đa (16); Thanh Trì (15); Đông Anh (12); Ba Vì (11).

Số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6/2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (là 178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh, cảnh báo nguy cơ

Bệnh nhi điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, Hà Nội ghi nhận 175 ca tay chân miệng.

Như vậy, chỉ trong 3 tuần (từ 20/5 đến 12/6), Hà Nội có gần 450 ca tay chân miệng; riêng tuần qua số ca mắc nhiều hơn tổng số ca ghi nhận trong gần 5 tháng đầu năm.

Trong khi số ca tay chân miệng tăng mạnh thì tuần qua (từ 6 đến 12/6) số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội lại giảm.

Cả tuần, thành phố ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 2 ca so với tuần trước đó) tại 10 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, CDC Hà Nội đã phối hợp với các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người dân chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thường xuyên vệ sinh cá nhân; vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ gặp biến chứng nặng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà tùy cơ địa.

Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần cảnh giác cao, theo dõi biểu hiện lâm sàng để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị.

Những dấu hiệu sớm phát hiện bệnh tay chân miệng

TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh, cảnh báo nguy cơ

Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số trẻ mắc tay chân miệng tăng mạnh

Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Theo TS Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

"Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm", BS Hải lưu ý.

Ngoài ra, có 3 dấu hiệu sớm của bệnh tay chân miệng, thứ nhất là sốt cao không đáp ứng với điều trị. Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

Dấu hiệu thứ 2 là trẻ bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Dấu hiệu thứ 3 là quấy khóc dai dẳng kéo dài, trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Chia sẻ về 1 số trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng được đưa vào viện muộn, TS.BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh:Trước đây, đã có nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo 1 cách đáng tiếc. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...