A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện ung thư từ những nốt ruồi bẩm sinh

ThS Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân có nốt ruồi bẩm sinh vùng trán - lông mày trái.

Theo lời kể của bệnh nhân, mấy tháng trước, khi nốt ruồi lớn nhanh bất thường, bệnh nhân không đi khám, sợ động vào phong thủy. Đến khi tổn thương làm ngứa ngáy khó chịu, gãi gây chảy dịch, loét, bệnh nhân mới đi kiểm tra.

Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên khoa, bệnh nhân nhận chẩn đoán ung thư hắc tố da (Melanoma).

Phát hiện ung thư từ nốt ruồi - Tin tức sự kiện - Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
BS.ThS Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám cho bệnh nhân

Bệnh nhân được BS.ThS Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phẫu thuật cắt rộng rãi khối ung thư, kết hợp làm các xét nghiệm sinh thiết lạnh tức thì ngay trong mổ để đảm bảo loại bỏ hết các tổ chức ác tính. Bác sĩ cũng sử dụng vạt da tại chỗ để phục hồi che phủ tổn khuyết.

Bên cạnh những người sợ tẩy nốt ruồi phong thủy bị tổn thương như trường hợp trên trong khi đó là tổn thương ác tính, nhiều người lại lựa chọn tẩy nốt ruồi vì cho là mọc ở vị trí không đẹp, kém may mắn, nhưng lại gặp biến chứng do tẩy sai cách, sai chẩn đoán.

ThS Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "80% người đi tẩy nốt ruồi là do yếu tố phong thủy, tướng số và thẩm mỹ; Chỉ số ít đi tẩy vì bệnh lý, tức là lo lắng bất thường khi nốt ruồi ở vị trí cọ xát nguy cơ cao, mọc ở lòng bàn tay chân, kích thước lớn, màu sắc hình dạng không bình thường...

Tuy nhiên, không phải nốt ruồi nào cũng tẩy được, bệnh nhân muốn tẩy nốt ruồi phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám, giúp phân biệt tổn thương trên da có nguy cơ ung thư hay là tổn thương ác tính hay không".

Nhiều bệnh nhân ung thư tế bào đáy (chiếm 95% tổng số ca ung thư da) ban đầu là nốt sần tưởng nốt ruồi, đi tẩy bằng các phương pháp khác nhau như chấm hóa chất, đốt điện, laser, nhưng không hết.

Khi đến viện, tổn thương đã xâm lấn sâu, lan rộng, bệnh nhân mất cơ hội điều trị sớm. Đây là hậu quả của việc chẩn đoán không đúng tổn thương. Những trường hợp này thường gặp ở người trên 50 tuổi.

Laser CO2, đốt điện, chấm hóa chất có ưu điểm nhanh gọn, rẻ, nhưng chỉ phù hợp với nốt ruồi nông, nhỏ, ở thượng bì. Nếu điều trị những nốt sâu không đúng chỉ định sẽ để lại sẹo, mất sắc tố, thậm chí nhiễm trùng.

Phương pháp chấm hóa chất còn có thể gây bỏng da, để lại sẹo xấu không có khả năng hồi phục. Trong khi đó, chỉ định laser không đúng với những tổn thương ở trung bì sẽ khiến tổn thương này tái phát, loang lổ. Nếu tác dụng nhiệt để điều trị lại nhiều lần trên 1 nốt ruồi sẽ có nguy cơ gây biến tính tế bào, tăng khả năng ung thư.

Nốt ruồi mọc ở những vị trí nguy hiểm như bờ mi, viền môi, mũi... khi tẩy bằng laser, đốt điện dễ để lại sẹo, vì thế bệnh nhân nên được thăm khám bởi bác sĩ da liễu, điều trị bằng phương pháp phù hợp, tránh tái phát.

Thông thường, ở các vị trí nguy hiểm, nốt ruồi sâu trung bì, kích thước lớn, không có đặc điểm như nốt ruồi bình thường, bác sĩ sẽ khuyến nghị phẫu thuật. Trường hợp cần thiết sẽ đem mẫu bệnh phẩm làm sinh thiết đánh giá.

Các biện pháp tẩy nốt ruồi đều có thể để lại sẹo, trừ trường hợp nốt ruồi ảnh hưởng thẩm mỹ, giao tiếp, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, còn lại, bác sĩ khuyên tốt nhất nên tẩy sau 18 tuổi.

Lúc này, cơ thể hoàn thiện về thể chất, da không bị giãn nữa, sinh tổng hợp collagen trong quá trình hình thành sẹo đạt mức ổn định nhất, khó để lại sẹo xấu hơn so với việc tẩy trước 18 tuổi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết