A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Omicron có thể tạo ra siêu miễn dịch cho con người

Biến chủng Omicron được đánh giá có thể mang tới chìa khóa giúp nhân loại thoát khỏi Covid-19, trong bối cảnh vaccine không giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, dữ liệu thu thập từ các quốc gia cho thấy các loại vaccine Covid-19 hay thậm chí lây nhiễm tự nhiên cũng không tạo ra hệ miễn dịch bảo vệ con người vĩnh viễn trước nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Thực tế này đồng nghĩa mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ trở nên vô vọng.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, các nhà khoa học tin rằng virus sẽ giúp phần lớn người dân trên thế giới có "siêu miễn dịch" - tức khả năng chống chịu tốt hơn với các biến chủng mới, hay thậm chí bất kỳ chủng virus corona nào khác trong tương lai.

Siêu miễn dịch không loại bỏ 100% nguy cơ lây nhiễm virus, nhưng có thể giúp người mắc bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhờ đó cuộc sống có thể trở lại bình thường, theo Wall Street Journal.

Lợi ích từ mắc Covid-19

Để hiểu rõ vì sao Omicron là dấu hiệu đại dịch sẽ chấm dứt, cần nhắc tới lợi ích mà tiêm chủng hay lây nhiễm Covid-19 tự nhiên mang lại cho con người.

Trong cơ thể con người tồn tại 2 loại tế bào bạch cầu gồm tế bào T và tế bào B. Đây là những bạch cầu có nhiệm vụ tìm và diệt các mầm bệnh ngoại lai xâm nhập.

Tế bào T giống như lính tuần tra, lưu thông trong mạch máu và hạch bạch huyết. Khi phát hiện virus lạ, tế bào T bắt đầu được kích hoạt.

Một loại tế bào T, tức tế bào T sát thủ, tiêu diệt những tế bào cơ thể đã bị mầm bệnh xâm nhập. Một loại khác là tế bào T hỗ trợ gửi tín hiệu cho tế bào B, kích hoạt quá trình sản sinh và tiết ra kháng thể giúp vô hiệu hóa mầm bệnh.

Thông thường, sau khi virus và các tế bào bị lây nhiễm đã bị tiêu diệt, đội quân bạch cầu và kháng thể cũng tự tiêu biến. Nhưng một số tế bào bạch cầu có thể ghi nhớ lâu dài virus và tự cải thiện khả năng đề kháng, chúng là tế bào T ghi nhớ.

Omicron có thể tạo ra siêu miễn dịch cho con người - Ảnh 1.

Hàng người chờ xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: New Yorker

Tế bào T ghi nhớ tồn tại trong tủy xương, hạch bạch huyết và các mô khác. Nếu mầm bệnh một lần nữa xâm nhập, tế bào T ghi nhớ sẽ nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt mầm bệnh.

Trong khi đó, tế bào ghi nhớ B tập trung ở hạch bạch huyết. Lần mắc bệnh đầu tiên giúp loại tế bào này ghi nhớ và sau đó tạo ra những kháng thể có khả năng ngăn chặn những biến chủng mới. Khi virus quay trở lại, tế bào B có thể sản xuất ra kháng thể nhanh hơn và mạnh hơn.

Các loại vaccine mô phỏng hiện tượng lây nhiễm, huấn luyện hệ miễn dịch bằng cách đưa virus suy yếu hoặc kháng nguyên vào cơ thể. Với Covid-19, các hãng dược phẩm sử dụng gai protein - bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào người.

Kháng thể sinh ra sau tiêm chủng có xu hướng suy giảm nhanh hơn so với lây nhiễm tự nhiên, có thể bởi các cấu phần của virus thực sự tồn tại trong cơ thể lâu hơn so với kháng nguyên.

Tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiêm giúp huấn luyện hệ miễn dịch để có thể phản ứng mạnh hơn, nhanh hơn và chính xác hơn cho lần lây nhiễm tiếp theo.

Omicron là chìa khóa

Các nghiên cứu cho thấy hệ miễn dịch của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, sau đó tiêm vaccine Covid-19, sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn và tồn tại lâu hơn người chỉ được tiêm chủng.

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Oregon công bố tháng 12/2021 cho thấy người đã tiêm vaccine, sau đó nhiễm Covid-19, có nồng độ kháng thể cao hơn tới 1.000 lần so với người tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Các nhà khoa học nhận xét hiện tượng nhiễm Covid-19 trước hoặc sau khi tiêm vaccine sẽ tạo ra "siêu miễn dịch".

"Siêu miễn dịch không đồng nghĩa chúng ta sẽ chấm dứt Covid-19 nhưng đã có con đường thoát khỏi dịch bệnh. Nếu đã tiêm vaccine, và sau đó nhiễm virus, con người sẽ được bảo vệ đáng kể trước các chủng virus khác trong tương lai", tiến sĩ Marcel Curlin, tác giả nghiên cứu của Đại học Oregon, nói.

Một nghiên cứu của Nam Phi chỉ ra người nhiễm biến chủng Omicron sản sinh kháng thể có vô hiệu hóa biến chủng Delta hiệu quả cao gấp 4 lần.

Omicron có thể tạo ra siêu miễn dịch cho con người - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Mũi vaccine bổ sung cũng giúp cải thiện phản ứng miễn dịch nhờ kèo dài thời gian tế bào B học hỏi mầm bệnh. Kết quả này giải thích lý do kháng thể sản sinh sau khi tiêm 3 mũi vaccine Pfizer có khả năng vô hiệu hóa biến chủng Omicron trong khi chỉ tiêm 2 mũi thì không.

Nhưng mũi vaccine tăng cường chỉ huấn luyện hệ miễn dịch làm quen với cùng một mục tiêu, đó là gai protein. Hàng chục đột biến trên biến chủng Omicron thì khác, chúng khiến các tế bào bạch cầu phải hoạt động nhiều hơn, nhờ đó huấn luyện hệ miễn dịch trở nên mạnh hơn.

Tế bào T trên người tiêm vaccine có khả năng phản ứng hiệu quả với biến chủng Omicron ở mức 70-80%, giúp làm giảm nguy cơ người mắc Covid-19 diễn tiến nặng hoặc tử vong.

Nhưng lây nhiễm tự nhiên còn củng cố khả năng của tế bào T hơn nữa, giúp chúng nhận ra những protein khác của virus chứ không chỉ gai protein. Một số protein như vậy có chung đặc tính với protein trên virus SARS hoặc các virus corona gây cảm lạnh thông thường.

Đồng thời, tế bào T trên người từng mắc SARS 17 năm trước cũng nhận ra một phần virus SARS-CoV-2 hiện nay. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London chỉ ra người từng mắc cảm lạnh do virus corona có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn.

Các dữ liệu cho thấy việc nhiễm biến chủng Omicron nhiều khả năng kích thích sản sinh hệ miễn dịch hiệu quả và lâu dài chống lại Covid-19, thậm chí cả các chủng virus corona khác ngay cả nếu chúng đột biến và có độc lực mạnh hơn.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan rộng, người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 trước đây có cơ hội phát triển "siêu miễn dịch" nếu tiếp tục tái nhiễm. Nhờ vậy, Covid-19 cuối cùng có thể trở thành một loại virus gây ra căn bệnh thông thường như cúm, tuy khó chịu nhưng hiếm khi chết người.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...