A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ bệnh nhân bị gãy đốt sống vì chủ quan với bệnh xương khớp, đây là dấu hiệu ngầm cảnh báo bệnh!

Quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì đặc hiệu, người bệnh không biết mình bị loãng xương cho đến khi gặp các biến chứng như xẹp xương, gãy xương...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 70 triệu người bị loãng xương, ảnh hưởng đến 30% số phụ nữ và 20% số nam giới trên 50 tuổi. 

Theo TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện ĐH Y Dược, hiện nay, ước tính có khoảng 80% người bệnh loãng xương chưa được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trường hợp gần đây nhất, các bác sĩ đã điều trị cho một bệnh nhân 80 tuổi bị gẫy đốt sống dù chỉ với một chấn thương nhẹ.

Nữ bệnh nhân bị gãy đốt sống vì chủ quan với bệnh xương khớp, đây là dấu hiệu ngầm cảnh báo bệnh! - Ảnh 2.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc thăm khám và tư vấn cho người bệnh

Bệnh nhân là bà N.T.H.L (80 tuổi, Đồng Nai) được đưa đến viện khám sau khi bị ngã trên nền đất. Tại bệnh viện, bà L. được chụp X-quang cột sống thắt lưng và đo mật độ xương.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy người bệnh bị loãng xương nặng dẫn đến giảm mật độ xương, bị gãy xương đốt sống dù chấn thương nhẹ. Bác sĩ tiến hành điều trị tích cực với mục tiêu giảm đau, cải thiện vận động.

Bên cạnh đó, bà L. được tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học để tránh biến chứng gù, trượt đốt sống vì loãng xương. Sau 2 ngày, người bệnh giảm đau rõ rệt và phục hồi vận động tích cực.

Bác sĩ nhấn mạnh té ngã là nguyên nhân chính gây gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống ở những bệnh nhân loãng xương. 

Dấu hiệu của bệnh loãng xương, rất nhiều người không biết

Theo các chuyên gia y tế, quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì đặc hiệu, người bệnh không biết mình bị loãng xương cho đến khi gặp các biến chứng như xẹp xương, gãy xương. 

Nữ bệnh nhân bị gãy đốt sống vì chủ quan với bệnh xương khớp, đây là dấu hiệu ngầm cảnh báo bệnh! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Thông thường, bệnh loãng xương có các biểu hiện:

- Đau nhức các đầu xương, mỏi dọc các xương dài, cảm giác đau như châm chích toàn thân, khi về đêm cường độ đau tăng, nghỉ ngơi không hết.

- Đau quanh cột sống, có thể lan sang một hoặc hai bên mạn sườn, khi thay đổi tư thế có thể gây đau, giật cơ, lúc nằm yên cảm thấy dễ chịu hơn.

- Hình dáng cơ thể bị thay đổi, lưng bị gù, chiều cao bị giảm so với lúc trẻ.

- Cảm giác lạnh, hay bị chuột rút ở các cơ, ra mồ hôi, ớn lạnh.

Bênh loãng xương nguy hiểm thế nào?

Bệnh loãng xương nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, các hậu quả của loãng xương có thể gây ra rất nặng nề. Hậu quả nguy hiểm nhất của loãng xương là rạn xương, nứt xương hoặc gãy xương. Ở những bệnh nhân bị loãng xương nặng, chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có nguy cơ dẫn đến gãy xương.

Người bệnh loãng xương sẽ bị tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, biến chứng hô hấp, viêm phổi,... do phải thường xuyên nhập viện điều trị, do phải bất động vì nứt xương, gãy xương.

Một số biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là gãy lún cột sống, cong xương, cong ống chân, cong vẹo cột sống, giảm chiều cao.

Nữ bệnh nhân bị gãy đốt sống vì chủ quan với bệnh xương khớp, đây là dấu hiệu ngầm cảnh báo bệnh! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Điều trị loãng xương đừng nghĩ chỉ bổ sung canxi và vitamin D là đủ

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, trong điều trị loãng xương việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, người bệnh không nên nhầm tưởng bị loãng xương chỉ cần uống canxi là ổn. Bác sĩ Ngọc cho biết canxi chỉ như “vật liệu xây dựng” điều trị hỗ trợ. Để những vật liệu này phát huy tác dụng, bệnh nhân cần có thuốc đặc trị.

Thuốc đặc trị dựa trên cơ chế ức chế sự hủy xương hoặc tăng cường sự tạo xương. Tùy từng trường hợp và bệnh lý đi kèm, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh loại thuốc hay phương pháp điều trị thích hợp.

Ngoài ra, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống cân đối với đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và rau xanh; tăng cường các bài tập rèn luyện sức cơ và khả năng thăng bằng như yoga, đạp xe đạp; tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...