A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát

Khám sức khỏe tổng quát là việc làm cần thiết, nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe chung, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nếu có.

Vì sao nên đi khám sức khỏe định kỳ?

Hiệp Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, mỗi người độ tuổi từ 18 trở lên cần kiểm tra huyết áp hàng năm, nhằm tầm soát nguy cơ tăng huyết áp. Không những thế, khám tổng quát sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, viêm gan,… dễ mắc phải. Do đó, độ tuổi 18 trở lên là thời điểm thích hợp để bắt đầu quan tâm việc khám sức khỏe tổng quát. Riêng với trẻ em, điều quan trọng lúc này là kiểm tra tình trạng dinh dưỡng và phát triển thể chất.

Những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát
Các chuyên gia khuyến cáo, người từ 18 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần

Dựa trên kết quả thăm khám, xét nghiệm, bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên hợp lý, đồng thời chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm nếu có. Trong điều trị bệnh, phát hiện càng sớm, điều trị càng dễ dàng, ít biến chứng. Khám sức khỏe tổng quát là thước đo khoa học để bạn đánh giá, điều chỉnh lại lối sống hàng ngày, từ đó đảm bảo sức khỏe tốt hơn trong tương lai.

Theo bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long, khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng với mọi người, ở độ tuổi trưởng thành trên 18, là bạn bắt đầu nên quan tâm việc này. Và đặc biệt những người trên 25 tuổi khi đi làm là cần khám thường xuyên hơn. Mỗi người nên thực hiện khám tổng quát sức khỏe mỗi 6 tháng - 1 năm/lần.

Khám sức khỏe tổng quát gồm những gì?

Khám lâm sàng tổng quát

Bệnh nhân sẽ được đánh giá biểu hiện lâm sàng của hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, thận - tiết - niệu, hệ tuần hoàn, mắt, tai - mũi - họng, da liễu, răng hàm mặt. Bên cạnh đó, tùy vào đặc điểm, yếu tố nguy cơ và gói khám mà có thể mở rộng khám chuyên khoa khác như: ung bướu, phụ khoa, nam khoa, lão khoa,…

Xét nghiệm máu và nước tiểu thường quy

Các xét nghiệm máu, nước tiểu thường quy gồm: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, kiểm tra đường máu, mỡ máu, chức năng thận, viêm gan B, C; men gan; acid uric, chức năng tuyến giáp,... xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra còn có thể thực hiện một số marker ung thư.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh thường quy trong khám sức khỏe tổng quát là chụp X - Quang tim phổi, ngoài ra tùy tình trạng mỗi người bác sĩ có thể chị định chụp các vị trí, bộ phận khác trong cơ thể. Ngoài ra còn có siêu âm vú (với nữ), siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến giáp,…

Thăm dò chức năng

Các kỹ thuật thăm dò chức năng gồm: đo loãng xương, điện não đồ, điện tâm đồ,… Thông thường thăm dò chức năng thực hiện khi phát hiện yếu tố nguy cơ, cần kiểm tra kỹ hơn.

Dựa trên các hạng mục trên, từng gói khám sức khỏe tổng quát bao gồm các nội dung khám khác nhau, cụ thể gồm: Kiểm tra thể lực: thông qua các thông số như cân nặng, chiều cao, huyết áp,…; khám nội tổng quát: để phát hiện các bệnh lý nội khoa như tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, thận - tiết niệu,…; khám răng miệng tổng quát: kiểm tra tình trạng cao răng, sâu răng, viêm lợi,…; khám tai - mũi - họng: khám nội soi, kiểm tra tình trạng dây thanh quản, xoang, họng mạn tính.

Khám mắt cũng nằm trong gói khám sức khỏe tổng quát: Khám mắt: kiểm tra thị lực, tư vấn phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về mắt; xét nghiệm máu cơ bản; xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích 10 chỉ số cơ bản như: Độ PH, LEU (bạch cầu), BLD (hồng cầu), PRO (đạm), GLU (Glucose), NIT (Nitrite),…; siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm tuyến giáp; chụp X-quang tim phổi; siêu âm vú (ở nữ giới).

Khám sức khỏe theo độ tuổi

Bên cạnh các nội dung khám lâm sàng và xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe tổng quát còn bao gồm các dịch vụ khám trọng tâm, xét theo độ tuổi như sau:

18 - 30 tuổi

Khám và xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như: Giang mai, lậu, viêm gan B, C,…

Kiểm tra chức năng sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân.

30 - 40 tuổi

Khám và tầm soát các bệnh tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, Gout,…

Khám phụ khoa, tầm soát ung thư phụ khoa,… với nữ.

40 - 60 tuổi

Khám và tầm soát các bệnh mỡ máu, tim mạch, Gout, tiểu đường, xương khớp.

Tầm soát các bệnh ung thư như: Ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư gan, phổi, ung thư vòm họng,…

60 tuổi trở lên

Khám và tầm soát các bệnh tim mạch, mỡ máu, xương khớp, gout, tiểu đường, bệnh hô hấp, tầm soát các bệnh ung thư,…

Người từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư

Có nhiều gói khám sức khỏe định kỳ khác nhau, mỗi người nên lựa chọn gói khám và các danh mục khám phù hợp với độ tuổi, nhu cầu, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính.

Lưu ý khi đi khám sức khỏe định kỳ

Trước khi đi khám sức khỏe tổng quát, người bệnh cần lưu ý không ăn sáng, không uống nước có gas, đường, trà, cà phê và các chất gây nghiện.

Nếu gói khám có siêu âm bụng tổng quát, cần uống nhiều nước, nhịn tiểu trước khi thực hiện. Ngược lại nếu siêu âm phụ khoa đầu dò, cần tiểu hết trước khi thực hiện. Nếu nội soi dạ dày, bệnh nhân cần nhịn ăn để bác sỹ quan sát bên trong dạ dày tốt hơn.

Phụ nữ đang đang trong thời kỳ kinh nguyệt không khám phụ khoa. Ngoài ra, phụ nữ cũng nên tránh quan hệ tình dục trước 3-5 ngày khám, khi có khám phụ khoa.

Không chụp X - quang với phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Vệ sinh sạch sẽ cơ thể, các bộ phận tai, mũi, họng, vùng kín để bác sỹ có thể quan sát và đánh giá tình trạng tốt nhất. Trong khi khám, nếu kết quả khám khiến bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lý nào đó thì sẽ cần làm các xét nghiệm phân tích thêm.

Phụ nữ mang thai sẽ không chụp X - quang khám tổng quát

Tùy theo lứa tuổi, sức khỏe, bạn có thể chọn khoảng thời gian đi khám sức khỏe định kỳ phù hợp, khoảng 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm/lần. Tuy nhiên bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt khuyến cáo, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần. Riêng với người sức khỏe không tốt, người cao tuổi thì nên thực hiện 6 tháng/lần.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...