A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh

Trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện công lập trực thuộc ngành Y tế Hà Nội đã tiếp nhận và khám chữa bệnh cho 6.615.068 lượt người bệnh; điều trị ngoại trú 1.611.231 lượt; điều trị nội trú 908.606 lượt. Nhiều kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao đã được các bệnh viện triển khai thực hiện.

Chuyển giao kỹ thuật, phương pháp điều trị mới cho tuyến dưới

Trong số 6.615.068 lượt người bệnh đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 4.092.921 lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó điều trị ngoại trú 1.206.131/1.611.231 lượt, chiếm 95,38%; điều trị nội trú 732.799/908.606 lượt (80,65%).

Sở Y tế đã thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở y tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh

Ảnh minh họa

Do đó, các đơn vị giải quyết triệt để các vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT; đồng thời, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng quy định, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Trong thời gian qua, Sở Y tế đã bổ sung thêm 2 chuyên khoa đầu ngành về Dược lâm sàng và Giải phẫu bệnh, nâng tổng số chuyên khoa đầu ngành của ngành Y tế lên 30.

Các bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới cho các bệnh viện tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ nhân lực khi cần.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các chuyên khoa đầu ngành xây dựng kế hoạch và thực hiện sinh hoạt khoa học định kỳ hàng tháng.

Các buổi sinh hoạt khoa học của chuyên khoa đầu ngành năm 2023 được đánh giá hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các đơn vị trong quá trình thực hiện, nâng cao nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Sở Y tế định hướng, khuyến khích các chuyên khoa đầu ngành phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; tăng cường chỉ đạo tuyến, hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới triển khai các kỹ thuật mới tại bệnh viện. Hiện tại, kỹ thuật ECMO đã được thực hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Chuyên ngành gây mê hồi sức là các kỹ thuật: Hạ thân nhiệt chỉ huy; keo sinh học trong điều trị suy tĩnh mạch chi; điều trị tiêu sợi huyết/bệnh nhân chảy máu não nguyên phát. Chuyên ngành răng hàm mặt là các kỹ thuật: Phẫu thuật nội soi trong sỏi ống tuyến; cấy implant một thì; áp dụng công nghệ số trong vi phẫu răng hàm mặt.

Chuyên ngành ngoại khoa là: Làm chủ kỹ thuật ghép thận; Ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương; Phẫu thuật nội soi được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.

Chuyên ngành ung bướu là cắt hớt niêm mạc đường tiêu hóa điều trị ung thư; đốt vi sóng điều trị u gan. Chuyên ngành sản phụ khoa là kỹ thuật can thiệp bào thai (nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu trong song thai và dải xơ buồng ối; truyền dịch buồng ối).

Chuyên khoa nhi khoa là theo dõi cung lượng tim PiCCO; Hạ thân nhiệt chỉ huy; Định lượng, theo dõi nồng độ kháng sinh (TDM); Phẫu thuật nội soi 1 lỗ nâng cao ở trẻ em.

Thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa

Sở Y tế đã thành lập mạng lưới khám chữa bệnh từ xa bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên (Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và TTYT ngoài Hà Nội).

Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các dịch bệnh chân tay miệng, Adenovirus, sốt xuất huyết… ngay khi Bộ Y tế ban hành.

Khám chữa bệnh từ xa: 7 ca nặng được BVĐK Xanh Pôn hội chẩn

Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn hội chẩn khám chữa bệnh từ xa

Các bệnh viện tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện; giám đốc bệnh viện; Sở Y tế tại nơi người bệnh, người nhà người bệnh dễ thấy, dễ tiếp cận, giải quyết kịp thời các ý kiến thắc mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh; thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người bệnh, kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú là 96,96%, ở người bệnh ngoại trú là 95,97%.

Các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh.

Các bệnh viện từng bước hoàn thiện phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS, LIS, PACS, kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…

Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay tế cho thẻ BHYT, đăng ký khám qua Face ID tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Phụ sản…

Một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử là Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức…

Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh trong toàn ngành tập trung thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, nội trú, đặc biệt là điều trị bệnh nhân có thẻ BHYT.

Với các chuyên khoa đầu ngành, các đơn vị cập nhật các phác đồ điều trị mới, quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc người bệnh cho các tuyến.

Trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện của ngành y tế Hà Nội đã khám chữa bệnh cho 6.615.086 lượt người bệnh, trong đó 1.611.231 lượt người bệnh điều trị ngoại trú và 908.606 lượt điều trị nội trú.

Tổng số phẫu thuật đã thực hiện trong 9 tháng là 203.738 lượt; tổng số thủ thuật là 2.486.866 lượt; tổng số xét nghiệm máu 29.546.219 lượt; 4.703.996 lượt chẩn đoán hình ảnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết