Kiểu ăn uống giúp kiểm soát đường trong máu, bảo vệ dạ dày và bồi bổ trí não lại bị nhiều người cho là "lề mề"
Loại thực phẩm bạn tiêu thụ đôi khi không quan trọng bằng cách bạn ăn chúng. Mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng kiểu ăn uống nhiều người cho là "lề mề" này hóa ra mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cúc Tịnh Y nhai một miếng bánh mì 32 lần, Thái Từ Khôn nhai bánh bao 97 lần hay Doãn Chính nhai một miếng bánh xèo 121 lần... Có thể nhiều người sẽ nghĩ bữa ăn của những ngôi sao Hoa Ngữ này chắc hẳn sẽ rất tốn thời gian và cho rằng họ thật lề mề. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Public Library of Science • One (PLOS ONE) đưa ra kết luận: Nhai 30 lần mỗi miếng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, việc nhai chậm cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Cúc Tịnh Y nhai một miếng bánh mì 32 lần
Theo nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tại Trường Y học Nha khoa Đại học Buffalo (Hoa Kỳ) đã chia 94 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thành hai nhóm dựa trên mức độ lực nhai: bệnh nhân trong nhóm kiểm soát có "chức năng khớp cắn" tốt, có đủ răng để cho phép họ nhai tốt; và nhóm bệnh nhân không thể nhai kỹ thức ăn do thiếu một số hoặc toàn bộ răng.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân có khả năng nhai tốt có lượng đường trong máu thấp hơn đáng kể so với những người có khả năng nhai kém và khi khả năng nhai của họ (những người nhai kém) được điều chỉnh, lượng đường trong máu đã giảm đáng kể.
Lý do có thể là việc nhai kỹ có thể giúp tăng mức độ glucagon-like peptide 1 (GLP-1), do đó làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn. Những người tham gia nhai 30 lần mỗi lần có sự gia tăng đáng kể GLP-1 trong cơ thể họ.
Song Xin, chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh trực thuộc Đại học Y Thủ đô (Trung Quốc) chia sẻ trên tờ Global Times Health Client rằng nhai kỹ thực sự cũng hữu ích cho việc giảm cân. Nhai thêm vài lần và kéo dài thời gian ăn có thể kích thích trung khu thần kinh cảm giác no và phản hồi tín hiệu “Tôi no rồi” lên não, do đó chúng ta sẽ cảm thấy no sớm hơn và ngừng ăn.
Nếu bạn ăn quá nhanh, não của bạn chưa kịp tiếp nhận cảm thấy no thì bạn đã ăn quá nhiều rồi. Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên tờ Science Daily của Hoa Kỳ vào năm ngoái cho thấy, nhai kỹ có thể làm tăng hiệu ứng nhiệt của thức ăn (năng lượng mà thức ăn tiêu hao trong quá trình tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa). Từ đó, cơ thể tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và nhu động ruột, khiến cơ thể sinh ra nhiều nhiệt hơn sau bữa ăn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù sự khác biệt về năng lượng tiêu hao trong mỗi bữa ăn do nhai là nhỏ, nhưng tác động tích lũy của ba bữa ăn một ngày, 365 ngày một năm, là rất lớn. Do đó, nhai kỹ thực sự giúp giảm cân, đặc biệt với những người cần kiểm soát cân nặng.
Ngoài ra, nhai kỹ sẽ mang lại những lợi ích chính sau đây, và một số nhóm người sẽ được hưởng lợi đặc biệt.
Giúp bảo vệ dạ dày, đặc biệt với người và trẻ em chức năng đường tiêu hóa kém: Nhai kỹ có thể nghiền thức ăn thành các hạt nhỏ hơn, có thể tiếp xúc tốt hơn với dịch tiêu hóa và giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Nhai chậm cũng có thể làm tăng tiết nước bọt và dịch vị, nhờ đó tiêu hóa thức ăn tốt hơn và cải thiện khả năng hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng.
Giúp bảo vệ nướu và làm sạch răng miệng, nhất là đối với người lớn tuổi: Nhai ít hơn có thể dẫn đến thoái hóa hàm, làm cho nướu yếu hơn. Nhai kỹ và nhai nhiều hơn có thể rèn luyện sức mạnh của hàm, tăng cường sức khỏe của nướu và thúc đẩy quá trình lưu thông máu của nướu. Nước bọt tiết ra khi nhai có chứa lysozyme và các yếu tố kháng khuẩn khác, có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi một cách hiệu quả.
Giúp bồi bổ trí não và thư giãn tinh thần, đặc biệt phù hợp với những người bị stress nhiều: Nhai nhiều hơn trong khi ăn có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng hippocampus, trung tâm trí nhớ. Các nghiên cứu trước đây ở Nhật Bản cũng phát hiện ra rằng nhai không đủ có thể làm suy giảm chức năng ghi nhớ của não. Ngoài ra, nhai theo một nhịp điệu nhất định cũng có thể thúc đẩy quá trình tiết serotonin, một loại hormone khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Giúp cảm nhận được vị ngon của chính nguyên liệu, đặc biệt phù hợp với những người thích ăn đậm vị: Càng nhai cơm và bánh bao càng ngọt, các loại rau nguyên bản sẽ có vị ngọt mát khi nhai kỹ... Nhai chậm và tập trung vào bữa ăn sẽ giúp vị giác của bạn thưởng thức trọn vẹn từng hương vị và ngon hơn thưởng thức cái ngon của bản thân món ăn, không cần quá nhiều gia vị mặn ngọt.
Bác sĩ Song Xin cho biết, đối với nhiều người, việc đếm từng miếng nhai bao nhiêu lần khi ăn là quá rắc rối và không thực tế, nó có thể được đo bằng thời gian ăn. Theo khuyến nghị, thời gian cho bữa sáng nên là 15-20 phút, bữa trưa và bữa tối nên là 20-30 phút.
Nguồn và ảnh: PLOS ONE, QQ, Eat This