Khi nào có thể coi Covid-19 như bệnh thông thường?
Với đề xuất cho F1, F0 làm việc, dừng công bố số ca mắc Covid-19 mỗi ngày, có người mong muốn Covid-19 sớm được coi là bệnh thông thường, nhưng có ý kiến cho rằng "chưa đến lúc".
Gia đình có 4 người gồm hai vợ chồng, con gái 5 tuổi và con trai 3 tuổi, chị Phạm Minh (34 tuổi, chủ một tiệm cắt tóc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rất hoang mang khi Covid-19 "gõ cửa".
Trải qua đợt dịch lần thứ tư vừa qua, luôn có tâm lý dịch gây tác động nặng nề về sức khỏe bản thân và những người xung quanh nên khi là người đầu tiên mắc Covid-19 trong gia đình, chị Minh không khỏi sợ hãi. Chị vội vàng cách ly khỏi chồng và 2 con, nhưng chỉ vài ngày sau, những người trong gia đình cũng lần lượt nhiễm nCoV. "Đến lúc cả nhà thành F0 rồi, tôi mới thấy Covid-19 không đáng sợ như mình nghĩ", nữ chủ tiệm cắt tóc chia sẻ.
Chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường
Chị Minh cho biết chị vốn lo nhất cho hai con nhỏ chưa được tiêm vaccine, nhưng bọn trẻ chỉ sốt và ho nhẹ trong ngày đầu tiên, sau đó không còn bất cứ triệu chứng nào. Còn hai vợ chồng chị đã tiêm đủ vaccine, cũng bị sốt và cảm giác như bị cúm trong 2-3 ngày đầu. Chỉ đến ngày thứ năm kể từ khi test Covid-19, kết quả xét nghiệm đã trở về âm tính.
"Cả khu phố nơi tôi ở hầu như nhà nào cũng có F0, mọi người chia sẻ chỉ cảm thấy như bị cúm, không quá vật vã", chị Minh nói và mong Covid-19 sớm được xem là bệnh thông thường để mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất trở lại bình thường.
Quán phở trên đường Trường Sa (quận 1, TP.HCM) đông đúc trở lại khi dịch ở TP.HCM được kiểm soát. Ảnh: Duy Hiệu
Là một nhân viên y tế và cũng trải qua "2 lần F0", Nguyễn Dũng (27 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội), cho biết mình mắc Covid-19 lần đầu vào cuối năm 2021 và cuối tháng 2 vừa rồi, anh tái nhiễm. Nhân viên y tế này cho rằng về bản chất, Covid-19 không biến mất được. Trong khi đó, con người cần làm việc, sinh hoạt và giao tiếp nên việc coi Covid-19 như bệnh đặc hữu chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
"Dịch bệnh có thể còn kéo dài nhiều năm, đất nước không thể mãi đóng cửa, F0, F1 không thể mãi bị cách ly. Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, nâng cao năng lực y tế, đảm bảo nhu cầu về vaccine và thuốc để Covid-19 cũng giống như nhiều bệnh thông thường khác", anh Dũng nêu quan điểm.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Y tế cho rằng lúc này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu mà cần theo dõi tình hình để quyết định vào thời điểm phù hợp.
Nguyên nhân, theo Bộ Y tế, do trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả địa phương và liên tục biến đổi với các biến thể mới có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm.
Hơn nữa, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây. Bộ Y tế nhận định hiện nay, dịch chỉ mới trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang bệnh đặc hữu.
Coi là bệnh lý chuyên khoa mới bình tĩnh để chủ động mở cửa
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dương) cho rằng đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoạch người dân tự chi trả nếu khám dịch vụ.
Theo bác sĩ Hiếu, khi xác định tâm thế này, chúng ta có thể bình tĩnh sống với Covid-19 và chủ động mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội như trước đây.
Nhiều người mong muốn Covid-19 sớm được coi như bệnh thông thường để cuộc sống có thể trở lại bình thường như trước khi có đại dịch. Ảnh: Duy Hiệu
Từ kinh nghiệm vừa phải điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa phải cân đối, duy trì các hoạt động bình thường khác của bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không thể nào trụ được. "Nếu chúng ta cứ coi Covid-19 là đại dịch, thực hiện những quy định hiện hành thì không thể nào duy trì được lực lượng y tế", vị bác sĩ nêu quan điểm.
Bởi vậy, bằng mọi cách, ông Hiếu cho rằng phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường. Lúc đó cuộc sống của người dân mới trở lại bình thường như cũ.
"Khi đã nắm chắc được sinh bệnh học, diễn biến tự nhiên và các biến chứng, tỷ lệ nặng và tử vong sẽ được khống chế, Covid-19 sẽ như một loại cúm mùa", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý thêm nếu mở cửa, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng rất quan trọng.
Ít nhất nửa năm nữa mới có câu trả lời chính xác
Có một góc nhìn thận trọng hơn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP.HCM) lại cho rằng hiện tại, chưa thể coi Covid-19 như bệnh đặc hữu vì Việt Nam chưa đạt được các yếu tố cần thiết.
Điển hình, ông Dũng nhận định dịch chưa ổn định và dự báo sẽ còn làn sóng dịch mới thời gian tới.
"Bệnh đặc hữu là khi mình biết chắc tình hình dịch sẽ ổn định, không có làn sóng dịch. Và khi đó, chính sách y tế của Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi tương ứng nhưng chúng ta chưa thể đáp ứng điều này", ông Dũng phân tích.
Gần 12h trưa nhưng một quán ăn ở Hà Nội không có khách vì số ca nhiễm Covid-19 tại thành phố liên tục tăng nhanh khiến mọi người lo ngại. Ảnh: Nhật Sinh
Ông dẫn chứng khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, Nhà nước sẽ không thể buộc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang. Người nhiễm bệnh lúc đó cũng có thể ra ngoài giao lưu, làm việc chứ không bắt buộc phải cách ly. Và ngành y tế lúc đó cũng không cần chuẩn bị cho tình huống có bao nhiêu ca Covid-19, chỉ cần chuẩn bị cơ chế thuốc, nhân lực để không bị quá tải y tế.
Theo dự báo và tính toán của mình, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng với chủng Omicron thì ít nhất còn một làn sóng dịch mới trong vòng 6 tháng tới. Việt Nam chắc chắn phải trải qua làn sóng dịch đó mới có thể tự tin được tiến tới coi Covid-19 như bệnh thông thường.
Ông lý giải khi trải qua đủ các làn sóng dịch sẽ đánh giá được nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19. Nếu tỷ lệ này không quá cao có để dần gỡ bỏ các biện pháp, quy định phòng chống dịch mang tính áp đặt.
Để đạt tới giai đoạn này, ông cho rằng cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Đảm bảo miễn dịch cộng đồng, xác định được độ nặng của biến chủng, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ người tiêm chủng cao và khả năng điều trị của hệ thống y tế tốt.
"Tôi dự báo khoảng 6-7 tháng nữa dịch ổn định, đó là thời điểm cho chúng ta câu trả lời chính xác về việc có nên coi Covid-19 như bệnh lý chuyên khoa thông thường hay không", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Câu trả lời này đang được nhiều người chờ đợi. Như chị Đỗ Minh chia sẻ, gia đình chị bao năm nay trông cả vào tiệm cắt tóc nhưng dịch kéo dài hơn 2 năm qua khiến gia đình lao đao vì mất đi nguồn thu nhập chính. Bởi vậy, mong ước lớn nhất của chị là đại dịch sớm kết thúc, Covid-19 sẽ thành một bệnh thông thường để hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục.
Với nhiều áp lực trải qua suốt hơn 2 năm chống dịch vừa qua, nhân viên y tế Nguyễn Dũng cũng chung mong muốn này. Theo anh, đã đến lúc tính toán xem Covid-19 như cúm mùa, ai mắc thì cách ly, điều trị. Còn những người khác vẫn có thể học tập, sinh hoạt và làm việc bình thường.