A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu quả khi tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid

Theo các bác sĩ, người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra corticoid kéo dài.

Lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể dẫn tới bệnh Glôcôm

PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Bệnh Glôcôm là căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh.

Người dân có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh Glôcôm mang lại bằng cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật.

Được biết, bệnh Glôcôm có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm, đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.

Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh Glôcôm và hướng điều trị khi mắc bệnh Glôcôm là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh họa

Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi đã mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Một vấn đề đáng báo động hiện nay là người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Nếu dùng những thuốc này trong thời gian dài, có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm.

Theo thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương năm 2009, bệnh nhân bị Glôcôm góc mở, có tiền sử tra mắt bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài chiếm 31,7 - 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm nhập viện khi bệnh đã trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp, nguy cơ mù lòa cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.

Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm thế giới năm 2024, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù loà - Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã có công văn gửi tới sở y tế, các đơn vị nhãn khoa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc kêu gọi tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ Glôcôm năm 2024 bằng các hoạt động như mít tinh, tuyên truyền, tư vấn và khám bệnh miễn phí...

Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm với các hoạt động khám, tư vấn, khám, đo nhãn áp miễn phí cho các người dân nghi ngờ bị Glôcôm vào các ngày làm việc trong tuần.

Thông qua các hoạt động hưởng ứng tuần lễ bệnh Glôcôm, PGS.TS Cung Hồng Sơn hy vọng sẽ có sự nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe mắt và bệnh Glôcôm, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia vào việc chăm sóc và bảo vệ thị lực của bản thân và gia đình.

Các bệnh mắt nào có thể dùng corticoid?

Thói quen tự chẩn bệnh và tự ý dùng thuốc đã khiến không ít người gặp tai biến đến khi nhập viện thì đã muộn. Đặc biệt với các bệnh về mắt, việc tự ý dùng thuốc khiến một số người bệnh trả giá đắt: Suy giảm thị lực, đục thủy tinh thể, mù lòa…

Do đó, các loại thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Dexamethason là thành phần corticoid chủ yếu có trong các thuốc nhỏ mắt này, có tác dụng chống viêm, được sử dụng cho các tình trạng như: Viêm kết mạc (đau mắt đỏ); viêm màng bồ đào; viêm bờ mi; viêm thượng củng mạc

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh họa

Dexamethason là chất kháng viêm rất mạnh, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bởi dùng đúng, sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối ưu. Trong một số trường hợp đau mắt đỏ, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng.

Trong các sản phẩm nhỏ mắt, dexamethasone thường được phối hợp với các thuốc kháng sinh như polymyxin, tobramycin, neomyxin hoặc chloramphenicol… Một số sản phẩm thường gặp như: Polydexa, neodex, dexacol, collydexa…

Các thuốc nhỏ mắt này được mua khá dễ dàng trong các nhà thuốc, với giá rất rẻ từ vài ngàn đồng trở lên đến vài chục ngàn đồng (tùy sản phẩm, nhà sản xuất, thuốc nội hay thuốc ngoại…).

Thuốc giúp giảm triệu chứng nhanh chóng nhờ đặc tính chống viêm nên bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về mặt triệu chứng, nên các thuốc này hay bị lạm dụng, mách bảo dùng... thậm chí dùng tra nhỏ thường xuyên để phòng ngừa bệnh hoặc tra nhỏ trong bất kỳ tình trạng về mắt nào.

Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây tai biến. Ví dụ, trong trường hợp viêm loét giác mạc do nấm hay Herpes, nếu tra nhỏ các sản phẩm này khiến bệnh nặng hơn, có thể dẫn tới thủng giác mạc.

Ngoài các bệnh về mắt nguy hiểm như Glôcôm, việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc...

Khi đã bị bệnh ở mắt, người bệnh cần phải đi khám đúng chuyên khoa mắt để được khám, điều trị đúng hướng và kịp thời, tuyệt đối không nên tự ý điều trị, tránh tiền mất tật mang.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...