A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội triển khai tiêm vắc xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 4673/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Với mục tiêu tăng cường bảo vệ đối với bại liệt tuýp 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn thành phố, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc.

Hà Nội đặt mục tiêu 90% trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi trên địa bàn đã tiêm mũi 1 vắc xin IPV sẽ được tiêm mũi 2 vắc xin IPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sở Y tế cũng lưu ý, trường hợp trẻ đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin có thành phần bại liệt IPV trong tiêm chủng dịch vụ sẽ không tiêm mũi 2 trong Tiêm chủng mở rộng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bao gồm trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi. Vì vậy, ước tính số đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bằng số đối tượng tiêm chủng của tháng nhân ba.

Về thời gian tổ chức tiêm chủng từ tháng 11 năm 2022 hoặc triển khai ngay khi tiếp nhận vắc xin; Tổ chức tiêm chủng tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, triển khai ngay khi tiếp nhận vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thường trực, tham mưu, tổ chức thực hiện toàn bộ công tác triển khai tiêm chủng vắc xin IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động chuyên môn, hướng dẫn các TTYT quận, huyện, thị xã thực hiện; hướng dẫn các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã tổ chức hoạt động truyền thông trên địa bàn.

Ngoài ra, tập trung truyền thông cho các đối tượng các bà mẹ có con trong độ tuổi từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi về lợi ích, đối tượng, lịch tiêm chủng, hướng dẫn các bà mẹ theo dõi và phát hiện phản ứng sau tiêm vắc xin.

CDC Hà Nội hướng dẫn chuyên môn cho các tuyến về tiếp nhận bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng; giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, biểu mẫu danh sách đối tượng cần tiêm; biểu mẫu báo cáo, theo dõi tiến độ triển khai kế hoạch sau khi phê duyệt; hướng dẫn các đơn vị rà soát dây chuyền lạnh phục vụ cho công tác bảo quản vắc xin.

CDC Hà Nội thực hiện tiếp nhận vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ động điều phối cấp phát vắc xin hợp lý cho các TTYT quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, đảm bảo quy trình vận chuyển, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, phân công cán bộ phụ trách từng quận, huyện, thị xã để theo dõi, giám sát, hỗ trợ; Tham gia các đoàn của Sở Y tế, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động tiêm chủng; Tổng hợp kết quả báo cáo với Sở Y tế và Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và miền Bắc.

Các TTYT quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch tiêm IPV mũi 2 và triển khai đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để thực hiện; dự trù, tiếp nhận vật tư, vắc xin và cung cấp cho các trạm y tế; tập huấn cho 100% cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn tham gia tiêm chủng về tiêm vắc xin IPV mũi 2.

Ngoài ra, kiểm tra, giám sát hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn đối với các điểm tiêm chủng, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về tiêm chủng vắc xin IPV mũi 2 để người dân biết và đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Các Phòng y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã giám sát việc thực hiện tiêm chủng tại các điểm tiêm, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp kịp thời để tiêm chủng đảm bảo an toàn và chất lượng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...