A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức ghi nhận tỷ lệ sinh giảm mạnh

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy, nước Đức đang chứng kiến ​​tỷ lệ sinh giảm mạnh, với các bang ở phía Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo DW, tỷ lệ sinh ở Đức, hay số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời, đã giảm từ mức 1,58 năm 2021 xuống còn 1,35 hiện nay.

Nghiên cứu của Viện Ifo cho thấy, số ca sinh tại Đức đã giảm từ 795.000 ca ở năm 2021 xuống còn 693.000 ca trong năm 2023, tương đương mức giảm gần 13%.

Tại các bang thuộc miền Đông, mức sụt giảm được ghi nhận lớn nhất, lên đến 17,5%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lượng phụ nữ ở độ tuổi từ 27 đến 36 (chiếm phần lớn các ca sinh nở) đang giảm.

Joachim Ragnitz, chuyên gia của Viện Ifo về nhân khẩu học, nhận định, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, chiến sự ở Ukraine và sự sụt giảm thu nhập thực tế do lạm phát cao rõ ràng đã khiến nhiều gia đình trẻ phải hoãn sinh con ở thời điểm hiện tại. Chuỗi cú sốc này “có thể đã góp phần làm tăng thêm sự bất ổn, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi”.

tylesinhduc.jpg

Tỷ lệ sinh tại Đức giảm mạnh do tác động của nhiều yếu tố. Ảnh: Reuters

Viện Ifo cho biết, tỷ lệ sinh tại Đức bắt đầu giảm vào năm 2015 nhưng xu hướng này đã tăng tốc đáng kể trong thời gian gần đây, với số trẻ em được sinh ra trong các năm 2022 và 2023 ít hơn gần 80.000 trẻ so với dự kiến.

Trên toàn quốc, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đã tăng nhẹ, chủ yếu là do dòng người tị nạn từ Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát hồi năm 2022. Tuy nhiên, do hầu hết phụ nữ rời Ukraine đến Đức mà không có bạn đời đồng hành nên đã không dẫn đến sự gia tăng tương ứng về số ca sinh.

Theo AFP, Đức đã tiếp nhận gần 500.000 người nước ngoài ở độ tuổi sinh nở trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023.

Đức cũng không phải là quốc gia duy nhất có tỷ lệ sinh giảm mạnh - một vấn đề phổ biến ở các nền kinh tế phát triển. Việc thiếu hụt người trẻ đang gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Đức vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...