A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dịp nghỉ hè: Cảnh báo gia tăng trẻ cận thị

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, vào thời điểm nghỉ hè, số lượng trẻ đi khám các tật khúc xạ, trong đó có cận thị gia tăng đáng kể.

Số lượng này còn được dự báo sẽ tăng lên sau kỳ nghỉ hè khi trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử, như: Tivi, laptop, điện thoại... đồng thời lại ít hoạt động ngoài trời, ở trong nhà nhiều.

nhan-vien-trung-tam-y-te-hu.jpg

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn kiểm tra thị lực cho trẻ

Những tác nhân gây giảm thị lực

Đưa cậu con trai 13 tuổi đi khám mắt, anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (huyện Gia Lâm, Hà Nội) kể: “Nghỉ hè hơn 1 tháng, thấy con suốt ngày dán mắt vào màn hình tivi, điện thoại rồi kêu mỏi mắt, nhìn mờ, lo lắng nên tôi đưa cháu đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận, cháu bị cận 1,5 đi-ốp và phải đeo kính. Anh trai cháu cũng đã đeo kính cận được 5 năm rồi”.

Tại khoa Mắt của Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội), thời điểm bình thường chỉ khám cho 3-5 trẻ bị cận thị/ngày thì vào dịp hè như hiện nay, số lượng trẻ đến khám tăng lên từ 15 đến 20 trẻ/ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Trưởng khoa Mắt cho biết, đa phần trẻ đến khám đều có tiền sử lạm dụng các thiết bị công nghệ, như: Tivi, điện thoại, laptop, ipad... Tỷ lệ mắc cận thị ở học sinh thành thị là khá cao.

“Ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của mắt. Thế nhưng, với trẻ sống ở thành phố, sau thời gian học ở trường, chỉ chủ yếu ở trong nhà, xem tivi, sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, hạn chế tiếp xúc với không gian, ánh sáng bên ngoài khiến thị lực bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình tranh thủ thời gian nghỉ hè đưa trẻ đi khám mắt. Do đó, mỗi dịp hè, số lượng trẻ đến khám cận thị lại gia tăng. Ngoài ra, còn có những trường hợp bị tăng độ cận thị do chơi game, sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử quá nhiều”, bác sĩ Nguyễn Vinh Quang lý giải.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70-80 trường hợp đến khám về tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), có ngày lên tới 100 trường hợp; trong đó tỷ lệ trẻ bị cận thị chiếm nhiều nhất.

Theo các bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vấn đề chung của các gia đình cho con đến khám mắt là phát hiện thấy thị lực của trẻ rất kém. Nếu ngày nào trẻ cũng xem tivi quá gần, trong không gian hẹp, khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m và xem trong khoảng thời gian nhiều hơn 3 giờ đồng hồ sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhanh.

Trước thực tế trên, mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè. Theo bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, khoa Mắt của bệnh viện, cận thị hiện nay là “đại dịch” toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, trẻ được tự do chơi các thiết bị điện tử, xem điện thoại, tivi với thời gian dài khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau và nhức mắt. Do đó, trẻ dễ bị cận thị, thậm chí tăng độ cận thị hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.

Cách bảo vệ đôi mắt

Bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người cận thị thấp (từ 1 đến 3 đi-ốp). Ngoài ra, người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh glocom (hay thiên đầu thống) gấp 14 lần người có độ cận thị thấp. Vì vậy, cần ngăn chặn sự tiến triển của cận thị, giúp bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng gây mất thị lực trầm trọng.

“Để kiểm soát cận thị cần tăng thời gian hoạt động ngoài trời ở trẻ. Cụ thể, khuyến khích học sinh dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, ít nhất 80-120 phút mỗi ngày. So với các biện pháp khác, dành thời gian hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời là phương pháp an toàn nhất và phù hợp với các khuyến cáo y tế hiện có khác, như: Phòng, chống béo phì, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên”, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh lưu ý.

Ngoài ra, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt, như: Nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt và cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy..., phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, đeo kính cận là giải pháp phổ biến và hữu hiệu nhất khi phát hiện mắt bị cận thị. Tuy nhiên, để bảo đảm mắt không bị tăng độ quá nhanh, trẻ cần được đeo kính đúng độ, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Luôn giữ khoảng cách khoảng 30-35cm từ mắt đến máy tính hay sách vở, ngồi thẳng lưng, cân đối khi học tập. Đồng thời, trẻ bị cận thị cần ngủ đủ giấc, không thức khuya vì thiếu ngủ, ngủ muộn sẽ làm giảm sức khỏe của đôi mắt, khiến độ cận dễ bị tăng hơn.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt trong các bữa ăn hằng ngày của trẻ, không chỉ để phòng ngừa việc tăng độ cận mà còn giúp cải thiện thị lực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...