Đi bơi tốt nhưng 6 nhóm người này bơi thường xuyên sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn
Với những người đang mắc bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữ... khi bơi lội rất dễ khiến nước xâm nhập vào, khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nguy hiểm hơn.
Trong các môn thể thao, thì bơi lội mà môn thể thao mang lại nhiều lợi ích. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, những người nhiều năm bơi lội thường xuyên có cơ thể trẻ hơn thậm chí đến 20 tuổi so với tuổi thực. Huyết áp, nồng độ cholesterol, chức năng tim và hệ thần kinh trung ương của người thường xuyên bơi lội sẽ tốt hơn nhiều so với người ít vận động và không bợi lội.
Mặc dù bơi lội là môn vận động toàn thân, tác động tới gần khắp các bộ phận của cơ thể, tuy nhiên đây cũng là môn thể thao không phải ai cũng thích hợp.
Người mắc bệnh hô hấp
Những người mắc các bệnh về đường hô hấp bao gồm các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi… không nên bơi lội vì sẽ khó thở hơn do áp lực của nước. Bên cạnh đo, nước lạnh sẽ dễ dàng khiến phổi tổn thương. Từ đó gây ra những cơn ho kéo dài. Đối với những người đang mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang, khi bơi lội rất dễ khiến nước xâm nhập vào mũi khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nguy hiểm hơn.
Người vừa uống bia rượu
Sau khi uống bia, rượu tuyệt đối không nên bơi. Điều này là do bơi lội lúc này rất dễ khiến cơ thể bị cảm lạnh và trúng gió. Bơi lội sẽ khiến tốc độ tản nhiệt của cơ thể đột ngột tăng cao, dẫn đến đau đầu, chóng mặt, hạ đường huyết dẫn đến choáng váng, chân bị chuột rút. Trường hợp nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Người bị viêm da dị ứng
Những người bị nấm da, nấm tóc, ghẻ lở, hắc lào, mụn nhọt đang sưng tấy, viêm da á sừng... tuyệt đối không nên xuống bể bơi. Điều này là để phòng chống ô nhiễm lây lan cho người khác và làm mất vệ sinh nguồn nước trong bể.
Các trường hợp bị mắc các bệnh về da khác như viêm da dị ứng thì không nên bơi lội vì nước trong bể bơi thường được khử trùng bằng hóa chất. Từ đó rất dễ gặp các vấn đề khiến tình trạng bệnh nặng hơn nếu tiếp xúc trực tiếp với nước bể bơi.
Người có vết thương hở
Đối với những người đang có vết thương hở rất dễ bị nhiễm trùng nếu tiếp xúc với nước bể bơi. Tình trạng nhiễm khuẩn do nước rất cao và có nguy cơ bị mưng mủ lâu lành. Chính vì vậy đối tượng này tuyệt đối không được bơi lội.
Phụ nữ bị viêm âm đạo, "đèn đỏ"
Phụ nữ bị viêm âm đạo không nên bơi lội để tránh nhiễm khuẩn. Mặc dù nước trong bể thường xuyên được khử trùng sạch sẽ bằng các loại hóa chất. Nhưng vẫn có thể tồn tại nhiều vi khuẩn gây hại do những người bơi khác tiết ra. Quá trình bơi lội tại bể sẽ khiến những vi khuẩn đó xâm nhập vào vùng kín, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Đối với phụ nữ đang trong chu kì kinh nguyệt, dù băng vệ sinh dạng nút (tampon) cũng không nên bơi.
Người bị cao huyết áp
Người bị cao huyết áp rất khó để kiểm soát mức huyết áp của mình. Nếu đi bơi bị nhiễm lạnh, mạch co đột ngột dẫn đến huyết áp tăng cao bất thường gây tai biến mạch máu não. Tình trạng này để lại nhiều di chứng đáng lo ngại, có thể hôn mê không tỉnh, nghiêm trọng hơn là tử vong.
Nên bơi bao nhiêu lần/tuần là đủ?
Trung bình 1 giờ bơi lội, cơ thể sẽ đốt cháy 400 calo. Đây là hoạt động dưới nước nên không phải ai cũng có điều kiện bơi lội mỗi ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng tần suất bơi tốt nhất là tuần 2-3 lần và được thực hiện đều đặn lặp đi lặp lại.
Đối với những người mới bắt đầu bơi, bạn có thể bơi 10 phút, rồi lần sau có thể tăng lên 30 phút, 45 phút đến 60 phút sau khi đã quen dần và thì giữ ở mức thời gian 60 phút là phù hợp.
Với người bơi thường xuyên từ 2- 3 lần trong một tuần và mỗi lần bơi được 60 phút sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, sức dẻo dai và một thân hình cân đối.
Lưu ý:
– Không tham gia bơi lội khi vừa ăn no xong vừa hoạt động cơ thể ra nhiều mồ hôi.
– Khởi động cơ thể trước khi bơi lội để giúp phòng việc chuột rút, co cơ.
– Nên sử dụng kính bơi chính hãng và mũ bơi để bảo vệ tóc, mắt nhất là ở các bể bơi đông người.
– Nếu bạn bơi lúc có ánh mặt trời hãy sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da và sử dụng kính bơi phản quang.
– Bơi xong nên tắm sạch lại bằng nước ấm và lau người khô.