Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp ở trẻ, cha mẹ cần cảnh giác
Trẻ bị viêm ruột thừa đôi khi có những triệu chứng kèm theo tiêu chảy, biếng ăn…, phụ huynh rất dễ nhầm tưởng những căn bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết đã cứu thành công cho bé trai 32 tháng tuổi bị viêm ruột thừa cấp.
Người nhà bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện, trẻ đau bụng, quấy khóc, đi khám tại phòng khám tư nhân siêu âm có hình ảnh lồng ruột, ruột thừa tăng kích thước. Sau đó gia đình bệnh nhi đến Bệnh viện Hùng Vương khám và điều trị.
Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ hội chẩn thống nhất chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Trẻ được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Hiện tại tình trạng bệnh của trẻ diễn biến tốt.
Viêm ruột thừa ở trẻ em nguy hiểm thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, viêm ruột thừa thường gặp ở trẻ em là từ 6 - 12 tuổi và rất hiếm gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm tỉ lệ khoảng 4,5% tùy từng nghiên cứu).
Viêm ruột thừa trẻ em là căn bệnh khó lường, khó chẩn đoán. Trường hợp ở trẻ em dưới 5 tuổi thường tiến triển nhanh và có thể vỡ dễ dàng nhưng vì trẻ không phân biệt được đau ở đâu mà chỉ quấy khóc làm cho các bậc cha mẹ hoang mang khi đến khám tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Sơn cho biết thêm: Trẻ bị viêm ruột thừa đôi khi có những triệu chứng kèm theo tiêu chảy, biếng ăn…, phụ huynh rất dễ nhầm tưởng những căn bệnh liên quan đến tiêu hóa mà tự ý mua thuốc và khi đến bệnh viện thì bệnh đã diễn biến nặng.
Trường hợp đến muộn, cháu bé biểu hiện đau khắp bụng, bụng chướng. Biến chứng nặng của viêm ruột thừa cấp chính là viêm phúc mạc ruột thừa. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu trẻ bị viêm ruột thừa
Triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh hoặc phía trên rốn. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ là cảm giác đau nhẹ và khó chịu, sau đó di chuyển đến khu trú vùng góc dưới bụng bên phải. Ở đó, đau trở lên liên tục và đau tăng lên, thường khi có cử động, ho, … Bụng thường trở nên cứng và đau khi sờ nắn, thăm khám.
Ngoài ra, đau ruột thừa cũng có triệu chứng sốt, chán ăn, buồn nôn và nôn, táo bón hoặc tiêu chảy cũng có thể gặp ở một nửa số trường hợpn đau ruột thừa.
Cảnh giác với biến chứng do viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
Vỡ ruột thừa
Vỡ ruột thừa làm nhiễm trùng lan khắp vùng bụng (viêm phúc mạc). Do có thể nguy hiểm tính mạng nên bệnh nhân có tình trạng vỡ ruột thừa cần phải phẫu thuật cấp cứu để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
Hình thành ổ mủ trong khoang bụng
Nếu ruột thừa vỡ, có thể sẽ hình thành ổ nhiễm trùng (áp xe). Với hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách đặt một ống xông qua thành bụng vào đến ổ áp xe. Ống xông dẫn lưu này được để tại chỗ và bệnh nhân sẽ dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa sau. Trong một số trường hợp, áp xe được dẫn lưu ra ngoài và ruột thừa được cắt bỏ ngay cùng lúc.
Cách xử lý khi trẻ bị đau ruột thừa
Đau ruột thừa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bé bị đau ruột thừa cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Để chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám ổ bụng, xét nghiệm máu kết hợp với các giải pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp X quang bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính… Thông thường sau khi phát hiện viêm ruột thừa, để xử lý, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để loại bỏ tình trạng viêm, đảm bảo an toàn cho trẻ.