A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ Y tế trong cuộc chiến chống COVID-19: Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"!

Khi ở trong tâm dịch, nhiều y bác sĩ đã không quản ngại hy sinh, làm việc không phải để được ghi công hay được tri ân. Nhưng hơn lúc nào hết chúng ta phải nói lời tri ân với những hy sinh của các thầy thuốc.

Có thể nói trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nói riêng và trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, những chiến sĩ áo trắng đã âm thầm dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân của mình để mang lại cuộc sống bình an cho người dân. Họ đã "không chọn việc nhẹ nhàng"...

Cán bộ Y tế trong cuộc chiến chống COVID-19: Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"! - Ảnh 2.

Nhân viên y tế kiệt sức giữa tâm dịch. Ảnhh: CDC Bắc Ninh

Những năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách do diễn biến của đại dịch COVID-19. Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.

Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh, thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình".

Nhiều người đã gửi lại người thân yêu của mình để xung phong vào tâm dịch... Có rất nhiều người bị nhiễm bệnh, những người phải gác lại đám cưới, có những người không thể về chịu tang chồng, cha mẹ hay người thân của mình, mà phải nén đau thương tiếp tục chiến đấu, tận tụy hết mình khi được giao trọng trách.

Chồng mất, nữ hộ lý không thể về chịu tang

Cán bộ Y tế trong cuộc chiến chống COVID-19: Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"! - Ảnh 3.

Thời điểm dịch đang diễn ra căng thẳng, chồng chị Bùi Thị Thủy, hộ lý của khoa Kiểm soát nhiễm bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh) đột ngột qua đời. Chị Thủy đã không thể về chịu tang do đang làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân F0.

Chị Bùi Thị Thủy như sét đánh bên tai khi được người thân báo tin người chồng đã không may đột ngột qua đời. Do đang làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân F0 nên chị Thủy không thể về chịu tang chồng.

Được sự đồng ý của gia đình chị Thủy, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã lập bàn thờ trong khu điều trị bệnh nhân F0 để chị Thủy có thể vọng bái cho người chồng đã khuất. "Trong ngày, Bệnh viện cũng đã cử cán bộ trực tiếp về thăm hỏi, động viên gia đình chị Thủy. Mong gia đình chị cảm thông, chia sẻ cùng lực lượng chống dịch của địa phương để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh…"

Tập thể cán bộ, y bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng tại khu điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đã đến thắp hương, động viên hộ lý Bùi Thị Thủy. Nhìn chị khóc nghẹn bên di ảnh của chồng, ai nấy xúc động nghẹn ngào; mong chị sẽ mạnh mẽ để vượt qua đau thương, mất mát.

Dịch Covid-19 đã khiến chị Thủy không thể ở bên chồng trong giờ phút chia ly. Thương chị bao nhiêu, người ta lại càng thấm thía tác động của đại dịch. Đó cũng là lời nhắc nhở toàn cộng đồng sống có trách nhiệm hơn để sẻ chia, chung sức cùng lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh; để không còn những cuộc chia ly không hẹn ước như ngày hôm nay.

Nữ điều dưỡng "nợ tang mẹ" vì chống dịch

Câu chuyện của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên lan tỏa thông điệp cao cả về sự hy sinh những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.

Cán bộ Y tế trong cuộc chiến chống COVID-19: Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"! - Ảnh 4.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên theo dõi đám tang mẹ do người thân gửi qua điện thoại. Ảnh: VOV

Ngày mà 7 trong số 9 bệnh nhân đang điều trị dịch COVID-19 của tỉnh Bình Thuận đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu sau hơn nửa tháng được điều trị, chăm sóc đáng lẽ là một ngày vui của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên, thế nhưng tin mẹ chị qua đời như sét đánh ngang tai khiến chị đau khổ cùng cực. Dẫu biết rằng quy luật sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh, nhất là khi mẹ chị Liên tuổi đã gần 90, lại bị tai biến nằm liệt giường hơn 5 năm, thế nhưng khi hay tin thì chị Liên cũng không khỏi bàng hoàng.

Nỗi đau mất mẹ khó ngôn từ nào tả hết, nhưng với trường hợp của chị Liên, đau đớn nhất chính là việc không thể về chịu tang mẹ giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành. Ngay trong đêm nhận hung tin, Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cùng các đồng nghiệp đã gửi lời chia buồn đến chị Nguyễn Thị Liên. Chị như chết lặng trong những giọt nước mắt lăn dài trong nhiều giờ liền.

Giữa khuya, nữ điều dưỡng quyết định nợ tang mẹ để ở lại cùng 20 đồng nghiệp Khoa Truyền nhiễm chống dịch. Đây là việc cần phải làm để ngăn ngừa rủi ro lây lan dịch bệnh vì chị Liên là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân. Cố nén đau thương, chị Nguyễn Thị Liên bày tỏ quyết tâm cùng các đồng nghiệp chống dịch, không để phát sinh những ca nhiễm mới, cố gắng hết sức điều trị cho những người nhiễm bệnh: "Mong muốn lớn nhất của tôi là bệnh nhân sớm hồi phục để tôi được về mặc áo tang, thắp nhang cho mẹ".

Thầy giáo trường Y vái vọng tiễn biệt mẹ

Khi đang cấp tập hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Bình Thạnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) anh Đoàn Văn Thiết - giảng viên Bộ môn Điều dưỡng, Khoa Y học cơ sở trường Cao đẳng Y tế Thái Bình bất ngờ nhận được hung tin mẹ ruột qua đời.

Cán bộ Y tế trong cuộc chiến chống COVID-19: Những người "không chọn việc nhẹ nhàng"! - Ảnh 5.

Thầy giáo Đoàn Văn Thiết vái vọng mẹ khi đang làm nhiệm vụ.

Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể về quê chịu tang mẹ, anh Thiết nén đau thương ở lại bệnh viện dã chiến tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và cúi đầu chịu tang mẹ từ nơi xa.

Trước nỗi mất mát quá lớn của cán bộ thuộc đoàn công tác Thái Bình, Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Bình Thạnh cùng với đoàn công tác đã tổ chức bàn thờ, đặt di ảnh mẹ, để anh Thiết được bái vọng từ xa, làm tròn đạo hiếu và cũng để cán bộ, y bác sĩ từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh đến viếng, chia buồn, động viên người "chiến sĩ" vượt qua nỗi đau thương mất mát người thân.

Th.S Giang Thị Thu Hà, nguyên Trưởng phòng Quản lý đạo tạo - NCKH và HTQT trường Cao đẳng Y tế Thái Bình chia sẻ: "Câu chuyện đau buồn mất mát trong đại dịch COVID-19 này không chỉ được biết qua những con số, những ca tử vong, những ca bệnh nặng được cứu sống, còn có sự hy sinh thầm lặng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Khi nghe tin mẹ cháu, người đồng nghiệp trẻ, đã mất khi cháu đang làm nhiệm vụ hỗ trợ Sài Gòn mà đau lòng quá! Một đời mẹ nuôi con và một đời chờ đợi con. Còn con mình, họ không thể về nhìn mặt mẹ lần cuối, chỉ biết khóc mẹ từ xa. Thương cháu, con trai của mẹ. Hãy cố gắng lên cháu ơi, mẹ sẽ bao dung và che chở cho cháu".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết