A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ sức khoẻ khi đi du lịch ngày nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt bao trùm cả nước. Nắng nóng cực điểm gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có những nguy cơ liên quan đến sức khỏe.

Đề phòng sốc nhiệt, say nắng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng sẽ còn kéo dài suốt đợt nghỉ lễ, trong đó nhiều nơi có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lúc 13h phổ biến 38-41 độ C, có nơi trên 41 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất.

Đợt nắng nóng này vừa cực đoan về cường độ, vừa kéo dài nên nền nhiệt bị tích tụ trong những ngày cuối của đợt nóng khiến không khí ngột ngạt. Người già, trẻ em tuyệt đối không ra ngoài trời ở khung giờ từ 11h trưa đến 4 giờ chiều ở những nơi có nhiệt độ lớn hơn 43 độ C.

Bảo vệ sức khoẻ khi đi du lịch ngày nắng nóng

Nhiều bãi biển đông kín du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Thời tiết nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao, nhất là với những người tham gia các hoạt động ngoài trời.

Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để bảo vệ khi du lịch trong dịp này, người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Mọi người nên hạn chế ra ngoài trời nắng trong những ngày này, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ. Nếu muốn tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời thì cần che chắn cơ thể cẩn thận, sử dụng kem chống nắng, nhằm hạn chế tiếp xúc với nắng.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Trước khi ra ngoài cần tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày, uống đủ nước, song song với rèn luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng, không nên lạm dụng bia rượu trong các cuộc vui dịp nghỉ lễ.

Đối với người già, trẻ nhỏ, những người bị đổ nhiều mồ hôi cần cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol; ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vitamin là một cách tăng cường đề kháng để cơ thể mọi người khỏe mạnh.

Chuẩn bị đồ bảo hộ và các loại thuốc thông dụng

Đối với các gia đình đi du lịch trong dịp này thì cần lên kế hoạch cho các hoạt động cho những chuyến đi sớm trong ngày hoặc muộn hơn vào buổi tối khi nhiệt độ mát hơn.

Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ nên chuẩn bị sẵn kế hoạch để tránh thời tiết nắng nóng và chuẩn bị đủ nước uống trong quá trình di chuyển.

Bên cạnh đó, trong những ngày mùa hè thời tiết nắng nóng cực điểm, người dân không nên làm những điều này như hoạt động gắng sức khi trời nóng quá; không ngồi trong xe đậu dưới trời nắng nóng; đừng uống quá nhiều rượu vì nó có thể làm cơ thể mất nước; đừng bỏ qua các lời khuyên của chính quyền địa phương...

khi biết thông tin nắng nóng gay gắt trên cả nước, nhiều gia đình đã hủy các lịch trình du lịch ngoài trời trong dịp lễ này để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều gia đình đã hủy các lịch trình du lịch ngoài trời để đảm bảo sức khỏe

Trong đó, các bệnh liên quan đến nhiệt như kiệt sức vì nóng và say nắng rất dễ xảy ra, người dân cần tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.

Triệu chứng điển hình của say nắng là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút; ở mức độ nặng gây đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.

Bệnh về đường tiêu hóa (như ngộ độc thực phẩm, tả, lỵ) vì khi nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày khiến thực phẩm dễ bị ôi, thiu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn tả, lỵ sinh sôi nảy nở và gây bệnh.

Khi thời tiết nắng nóng, việc chống nóng bằng cách bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi.

Uống nước đá lạnh trong những ngày nắng nóng tuy có thể giúp giải khát nhanh chóng nhưng cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là ở trẻ em.

Ngoài ra, tia tử ngoại và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể... Trẻ em mùa nắng nóng thường mắc bệnh rôm, sảy, viêm da dị ứng gây ngứa.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nắng nóng còn làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.

Một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… cũng có thể gia tăng và gây dịch vào mùa nắng nóng.

Do đó, khi đi du lịch, mọi người nên chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng như: Thuốc trị tiêu hóa, dạ dày; thuốc trị viêm mũi dị ứng, thuốc giảm đau hạ sốt, dầu chống muỗi, thuốc sát trùng... Người bị bệnh lý mạn tính cần tuân thủ các loại thuốc điều trị theo bác sĩ kê đơn.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết