A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ hướng dẫn mẹ bầu F0, F1 cách theo dõi diễn biến bệnh nếu không mua được máy đo SpO2, nước súc miệng

Theo bác sĩ, khi bất ngờ trở thành F1, F0 mà không thể mua được nước súc miệng, máy đo SpO2, phụ nữ mang thai phải bình tĩnh và hoàn toàn có thể dùng nước súc miệng tự pha để thay thế, tự đo nhịp thở để theo dõi diễn biến bệnh.

Là một trong số các bà mẹ mang thai ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, chị Đỗ Thị Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị tốt cho quá trình chăm sóc mẹ bầu và thai nhi, gia đình chị không chỉ chuẩn bị đầy đủ thực phẩm dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn mà các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 cũng không thể thiếu để nhằm nâng cao sức đề kháng cho cả mẹ, cả con và ngăn ngừa COVID-19.

Chị Nhung (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) hiện đang mang thai tuần thứ 30 cũng là trường hợp tương tự.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, chị Nhung cũng lo lắng về sự khan hiếm của các sản phẩm vật tư y tế. Do đó, chị Nhung đã ra tiệm thuốc trước nhà để mua các sản phẩm, vật tư cần thiết cho F1, F0. Tuy nhiên, riêng mặt hàng nước súc họng, chị Nhung lại được nhân viên báo không còn hàng.

Để mua được nước súc họng, chị Nhung phải đặt vài ngày mới có hàng. Song, giá cũng bị "đội" lên khá cao từ 90.000 – 95.000 đồng/chai nước súc họng Betadine, thì nay, chị Nhung phải mua với giá 180.000 đồng/chai.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, các mặt hàng như nước muối sinh lý, nước súc họng, xịt mũi… đều rơi vào trạng thái "nhỏ giọt" hoặc có hàng bán nhưng giá "nhỉnh".

Điều đáng chú ý, trong giai đoạn không thể hoặc chưa mua được nước súc họng, không ít mẹ bầu đã tìm đến giải pháp tình thế là tự pha chế nước súc họng từ muối tinh.

Mặc dù giải pháp này được đánh giá là nên làm nhưng với riêng mẹ bầu, người đang mang thai thì liệu đây có phải là điều nên làm?

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên, BS Hà Văn Huy - Khoa Phụ sản, bệnh viện Quân y 103 cho biết, thứ nhất, nước súc họng Betadine không phải là biện pháp để phòng chống COVID-19, công dụng chính của loại nước súc miệng này là phòng các bệnh nhiễm khuẩn vùng miệng và hầu họng.

Tất nhiên, sử dụng sản phẩm này hằng ngày sẽ rất tốt vì giúp phòng chống các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và khoang miệng - một bệnh lý thường gặp khi thay đổi thời tiết và sống trong môi trường ô nhiễm.

Bác sĩ 'chỉ điểm' mẹ bầu F0, F1 'cách' theo dõi diễn biến bệnh nếu không mua được máy đo SpO2, nước súc miệng  - Ảnh 3.

Theo BS Hà Văn Huy - Khoa Phụ sản, bệnh viện Quân y 103, cách làm "thủ công" tự pha chế bằng muối hạt hoặc muối tinh với nước sôi để nguội là hoàn toàn an toàn với phụ nữ mang thai

Theo bác sĩ Huy, trong trường hợp không mua được nước súc miệng, thì một giải pháp rất hiệu quả khác mẹ bầu nên áp dụng là súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, mua ngoài hiệu thuốc mà không cần kê đơn.

Riêng với cách làm "thủ công" tự pha chế bằng muối hạt hoặc muối tinh với nước sôi để nguội, cũng hoàn toàn an toàn đối với phụ nữ mang thai. Những đối tượng khác cũng có thể dùng như một thói quen hằng ngày.

Để giảm bớt sự hoang mang và lo lắng quá mức của những thai phụ khi biết mình là F1 hoặc với trường hợp bất ngờ mắc COVID-19, bác sĩ Hà Văn Huy trấn an: "Các mẹ bầu nên hết sức bình tĩnh. Nếu là F1 thì hãy tự test nhanh để xác định xem mình có phải là F0 hay không, để từ đó có biện pháp cách ly và điều trị kịp thời".

"Khi mẹ bầu đã xác định "trở thành F0" thì điều trị như người không mang thai mắc COVID-19 tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh .Thai phụ tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc vì nhiều thuốc điều trị triệu chứng là chống chỉ định trong thai kỳ. Tùy vào tuổi thai và cần theo dõi những triệu chứng khác nhau như dọa sảy thai, dọa đẻ non", BS Hà Văn Huy cho hay.

BS Hà Văn Huy khuyến cáo, những thai phụ bất ngờ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nên chuẩn bị tâm thế với những gạch đầu dòng dưới đây:

- Luôn bình tĩnh, không quá hoang mang

- Đa số là triệu chứng nhẹ như cảm cúm thông thường

- Liên hệ với cơ sở y tế hoặc bác sĩ theo dõi thai kỳ cho mình.

Bác sĩ 'chỉ điểm' mẹ bầu F0, F1 'cách' theo dõi diễn biến bệnh nếu không mua được máy đo SpO2, nước súc miệng  - Ảnh 4.

Theo BS Huy, thai phụ nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ gặp các kết cục bất lợi của thai kỳ, do đó phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và theo dõi thai kỳ hợp lý.

Hiện nay, trên thị trường sản phẩm đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) đang được nhiều người "tín nhiệm", xem là công cụ hữu hiệu để nhận biết diễn biến của bệnh.

Tuy nhiên, có những phụ nữ mang thai không thể mua được máy đo SpO2, bác sĩ Hà Văn Huy "bật mí" thêm một bí quyết  để tự nhận biết nồng độ oxy trong máu ở ngưỡng đảm bảo là thai phụ có thể tự đếm tần số thở hoặc cảm giác khó thở để biết được diễn biến bệnh, cụ thể:

Người có chỉ số SpO2 >96% với biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, mất vị giác, tiêu chảy là những bệnh nhân ở mức độ nhẹ.

Những người có chỉ số SpO2 94-96% kèm với các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu ở mức độ nhẹ, thở nhanh 20-25 lần/phút.

Những bệnh nhân nặng là những người có chỉ số SpO2 < 94% khi thở khí phòng kèm với các dấu hiệu như nhịp thở >25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm.

Nếu đã được hỗ trợ thở oxy lưu lượng từ 5 - 10 lít/phút nhưng SpO2 không thể đạt > 94% thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy hô hấp và cần phải được can thiệp sâu hơn.

Trước nhiều ý kiến cho rằng "F0 không nên tắm", bác sĩ Hà Văn Huy khẳng định: "Không có hướng dẫn nào là không nên tắm đối với nhiễm COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Bởi tắm sẽ giúp loại bỏ tế bào chết và phòng mắc các bệnh ngoài da".

"Phụ nữ mang thai có thể tắm cách ngày, mỗi lần tắm nhanh 5-10 phút và sau khi tắm phải làm khô tóc và khô cơ thể để tránh cảm lạnh, không nên tắm đêm sau 9h, nên tắm nước ấm trong mùa lạnh. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng thì nhập viện và theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị", BS Huy cho biết thêm.

Theo Bộ Y tế, những trường hợp được coi là F1 (định nghĩa mới về F1), khi:

- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...