Ăn trứng ra sao để không bị ngộ độc thực phẩm?
Trứng là một thực phẩm rất bổ dưỡng, được sử dụng trong nhiều món ăn. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nếu chế biến và bảo quản sai cách. Mới đây, 6 người đã bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu do ăn trứng cá cảnh.
Không nên ăn những loại trứng "độc, lạ"
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho 6 người bị ngộ độc sau khi ăn trứng cá cảnh, cụ thể là loại cá sấu hỏa tiễn.
Trưa 27/5, 6 người này đã chế biến cá sấu hỏa tiễn nặng khoảng 10kg làm thức ăn. Thân cá được được chế biến làm món hấp, trong khi trứng cá được dùng để nấu với mẻ. Sau đó, cả gia đình và một số người quen cùng ăn.
Các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn trứng cá cảnh |
Những người ăn món cá hấp thì không có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Tuy nhiên, 6 người đàn ông vừa ăn cá hấp và đồng thời ăn trứng cá nấu mẻ thì xuất hiện triệu chứng bất thường sau 3-4 giờ.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng nôn, đau bụng dữ dội, đi ngoài nhiều lần, đau đầu, chóng mặt và người mệt lả.
Sau khi được Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tại đây, các xét nghiệm ban đầu cho thấy người bệnh có biểu hiện toan chuyển hóa máu và rối loạn nước, điện giải. Sau hai ngày điều trị và chăm sóc tích cực, 6 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, cá sấu hỏa tiễn (cá hỏa tiễn) có tên khoa học là Lepisosteus osseus. Đây là loài cá nước ngọt có nguồn gốc Châu Mỹ. Một số gia đình thường nuôi cá sấu hỏa tiễn để làm cảnh.
"Theo một số bài báo khoa học, trứng và ruột của cá sấu hỏa tiễn chứa chất độc. Chất này tác động trực tiếp lên hệ tiêu hóa, thần kinh và tim mạch của con người. Trên thực nghiệm, các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì bị chết. Người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá", bác sĩ Tình khuyến cáo.
Tuy trứng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng nhưng nhiều loại trứng "độc, lạ" từ các loại động vật như cá sấu hỏa tiễn không nên sử dụng.
Cảnh giác với vi khuẩn Salmonella nguy hiểm
Salmonella phân bố rộng rãi trong tự nhiên nhưng đặc biệt dễ tìm trong trứng, thịt, gia cầm và sữa... Do đó, các loại trứng khi chế biến và bảo quản không đúng cách rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này.
Salmonella có khả năng sinh sản rất mạnh. Chúng có thể sinh sản với số lượng lớn ở nhiệt độ trên 20 độ C. Ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh, vi khuẩn này vẫn có thể sống được từ 3 - 4 tháng. Sau khi vi khuẩn Salmonella nhân lên trong thực phẩm và đạt đến một số lượng nhất định, nó sẽ sinh ra độc tố, lâu dần sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có khoảng 100 triệu người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Mặc dù hầu hết mọi người có thể được chữa khỏi nhưng cũng có khoảng 100.000 người tử vong.
Trứng sống là món ăn sáng được nhiều người ưa thích nhưng rất dễ gây ngộ độc thực phẩm |
Để phòng các loại vi khuẩn, mọi người không nên ăn trứng sống, trứng luộc chưa chín hay đập trứng sống vào cháo nóng, nước nóng và ăn luôn. Nguyên nhân là do trên bề mặt vỏ trứng không hề kín và nhẵn mịn. Nó có rất nhiều lỗ nhỏ li ti nên không khí và vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella có thể gây ra ngộ độc.
Nếu ăn trứng sống, trứng chưa chín kỹ thì rất dễ mắc tiêu chảy. Ngoài ra, cơ thể rất khó hấp thụ toàn bộ protein có trong trứng nếu chưa được nấu chín hoàn toàn.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng và bảo quản trứng nên loại bỏ những quả trứng đã bị thối, hỏng. Trứng thối thường đã được bảo quản quá lâu hoặc trong điều kiện không phù hợp. Trứng có mùi hôi do nhiễm vi khuẩn, chứng tỏ đã bị hư. Ăn trứng thối có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.
Trứng tuy là thực phẩm bổ dưỡng nhưng ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe. Người bình thường khoẻ mạnh, không có bệnh nền chỉ cần ăn hai lòng đỏ trứng mỗi sáng là cơ thể đã hấp thu lượng choleterol vượt xa mức cho phép.
Trong lòng đỏ trứng gà, vịt có chứa khá nhiều chất béo và cholesterol. Mỗi quả trứng nặng khoảng 17 gram có thể chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất béo, chủ yếu là axít bão hòa. Trong khi đó, một người không nên tiêu thụ quá 300mg cholesterol/ngày.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với bà mẹ mang thai, cho con bú, người đang muốn tạo dựng cơ bắp, người vận động nhiều hàng ngày, trẻ em độ tuổi đi học (thanh thiếu niên) đang lớn và phát triển, trên cơ sở không có vấn đề về lipid máu và huyết áp, lượng trứng có thể được tăng lên một cách thích hợp.
Ngoài ra, mọi người cũng không nên ăn trứng để qua đêm. Nếu trứng được luộc chín lòng đào nhưng sau khi để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sản sinh ra vi khuẩn, nếu ăn phải trứng biến chất như thế sẽ có hại cho sức khỏe. Do khi luộc trứng, protein đã bị phá hỏng lại để qua đêm, vì vậy giá trị dinh dưỡng sẽ giảm thấp rất nhiều.
Theo nhiều nghiên cứu, trứng là nguyên nhân hay gặp thứ hai gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà. Tuy nhiên, khoảng 80% trẻ thoát khỏi dị ứng trứng khi lên 6 tuổi.
Phần lớn các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng, trong khi protein lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Do sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác, người dị ứng trứng gà thường dị ứng với trứng vịt, trứng ngan… Vì vậy, nếu cơ địa dị ứng với trứng, người dân nên tránh món này để không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.