A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam nằm trong Top 4 thị trường giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới

Việt Nam nằm trong 4 thị trường giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới và người Việt đứng thứ hai về mức độ quan tâm tài sản số, đứng thứ 5 trong Chỉ số áp dụng tiền điện tử năm 2024.

Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số.

Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển vượt trội

Tại sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024 diễn ra ngày 3/12, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong thập kỷ qua, công nghệ phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).

Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, người Việt đứng thứ hai về mức độ quan tâm tài sản số và Việt Nam nằm trong bốn thị trường giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới. Ông lý giải: “Giới trẻ nước ta có niềm đam mê, sự hiểu biết công nghệ, tài sản số rất lớn, sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới - đây chính là một trong những lợi thế của Việt Nam để trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho loại hình tài sản tiềm năng này, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch cho nhà đầu tư.

"Hoạt động thiếu định hướng khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực tài sản số tại Việt Nam khó cạnh tranh với các công ty Thái Lan, Singapore", Chủ tịch SSI nói.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, ông Hưng cho rằng yếu tố cốt lõi là minh bạch và rõ ràng trong pháp lý. Bởi điều này giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng phát triển trong môi trường an toàn, bền vững. Trong khi đó, những quốc gia tiên phong trong tài sản số sẽ xây dựng được vị thế chiến lược trong kinh tế toàn cầu, bên cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Don Lam - Tổng giám đốc và nhà sáng lập Tập đoàn VinaCapital, cho biết, Blockchain là một thị trường rất lớn mà Việt Nam không nên bỏ qua. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường tiền điện tử đã đạt 66% tốc độ tăng trưởng hằng năm với 191 tỷ USD năm 2019 lên 2,4 nghìn tỷ USD năm 2024. Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu, đứng đầu Đông Nam Á về áp dụng tiền điện tử.  

“Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Á về công nghệ và thực tế là rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang đầu tư vào công nghệ Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn thiếu vốn đầu tư vào công nghệ”, ông Don Lam chia sẻ.

Sớm nắm bắt cơ hội 

Về công nghệ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Công ty cổ phần FPT nhận định, Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có trong cuộc cách mạng chuyển đổi số. Việt Nam đang có thế và lực, vừa là bến đỗ an toàn của thế giới trong cơn bão địa chính trị, vừa có những tài năng công nghệ nhiều quốc gia mơ ước.

"Không nhiều nơi như Việt Nam, bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm học và tham gia. Từ AI, Edutech, blockchain, gaming và nhiều thứ nữa, người Việt đều có thể học và làm được", ông Bình nói.

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa công nhận tiền số, tài sản số. Song phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 28/11, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng việc để trống hành lang pháp lý với tiền số khiến "Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền ảo".

Ông Thân đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tính toán để có định hướng thu thuế với tiền số, tài sản số. Hiện nhiều nước trong khu vực đã có quy định về vấn đề này. "Không để Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số. Tất nhiên, đây là vấn đề khó nhưng cần giải quyết", ông Thân chia sẻ.

Từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Gracy Chen – Giám đốc điều hành Bitget cho biết, thị trường blockchain Việt Nam được định giá khoảng 850 triệu USD năm 2023. Theo như dự đoán, con số này sẽ tăng khoảng 17,4% mỗi năm, giai đoạn 2023-2029. Doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2024, với doanh thu trung bình ước tính trên mỗi người dùng là 64,4 USD.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường tài sản kỹ thuật số của Việt Nam, Bitget thành lập sàn giao dịch BitEXC, với mục tiêu trở thành sàn giao dịch tiền kỹ thuật số hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời, cung cấp các chương trình hỗ trợ đào tạo về loại hình tài sản này.

Bởi theo bà Gracy, thị trường tiền số Việt Nam, bên cạnh những rủi ro thường gặp như các kênh đầu tư khác như thanh khoản, chênh lệch giá… còn tồn tại rủi ro về pháp lý, kiến thức của người đầu tư.

“Trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại tài sản số khác nhau, trong đó, không ít loại tài sản số không hợp pháp hoặc thậm chí là để “lùa gà”, lừa đảo nhà đầu tư chưa am hiểu về tài sản số”, bà Gracy cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...