A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

Để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Phát biểu tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội có vị thế, cơ hội và cũng nhiều thách thức: Hà Nội có dân số chiếm gần 8,4% dân số cả nước; tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng/2023: 305.300 tỷ đồng tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội có nhiều thách thức như: Dân số đông; giao thông ùn tắc, ô nhiễm, năng lực cạnh tranh…

Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại hội nghị.

Công cuộc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 2/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Từ vị thế, cơ hội, thách thức, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã có chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 18 với quan điểm chỉ đạo thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội; ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo, dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 18 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, về chính quyền số: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp.

Về kinh tế số: Tỷ trọng kinh tế số trong GRPD khoảng 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng từ 7 - 7,5%/năm.

Về xã hội số: 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân só trưởng thành có chữ ký số; phủ mạng internet bang rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Các đại biểu tham quan triển lãm các giải pháp xây dựng thành phố thông minh tại hội nghị.

Cùng đó UBND thành phố Hà Nội ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó có Kế hoạch 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch gồm 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ được phân theo nhóm các trụ cột: Chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh; kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, các kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 14/6/2022 (giai đoạn 2022 - 2025); số 64/KH-UBND ngày 1/3/2023 (kế hoạch năm 2023)…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng chỉ ra các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm xây dựng thành phố thông minh gồm hạ tầng kinh tế - xã hội thông minh: y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại thông minh.

Để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số: Dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội mới.

Theo đó, để Hà Nội chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của người dân; cần có mô hình thông tin; chiến lược dữ liệu...

N.Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...