Lừa đảo trên không gian mạng: Bài 2 - Cuộc gọi video Deepfake, Deepvoce
Lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video lừa đảo trên không gian mạng, nhắn tin nhờ chuyển tiền chiếm đoạt tài sản. Nhiều người sập bẫy.
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân trên không gian mạng…Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo các chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang nhắm vào các đối tượng: Người cao tuổi, nhân viên văn phòng, công nhân, học sinh/sinh viên… Báo Công Thương xin trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo để giúp bạn đọc nắm bắt thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng này. |
Phương thức lừa đảo trên không gian mạng qua video Deepfake
Deepfake là phương tiện tổng hợp điều khiển bằng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh và giọng nói thay thế hình ảnh khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh người dùng muốn giả mạo. Từ một công nghệ phục vụ giải trí nay những kẻ lừa đảo, tung tin giả đã ứng dụng Deepfake vào các chiêu trò của mình, tạo nên một cách thức lừa đảo mới vô cùng hiểm độc.
Kẻ xấu có thể thực hiện cuộc gọi thoại tin nhắn, gọi điện qua Viber, Zalo, Messenger..., thậm chí cả video với giọng nói, hình ảnh là của người thân, người quen, bạn bè... khiến người nhận rất khó phân biệt thật giả và sập bẫy lừa đảo cuộc gọi Deepfake.
Các cuộc gọi chỉ diễn ra vài giây nhưng đủ để nạn nhân thấy được khuôn mặt người thân của mình cùng với cách xưng hô quen thuộc, sau đó chập chờn. Nạn nhân nhận được tin nhắn vì sóng yếu nên không gọi video tiếp được, chuyển sang nhắn tin cho tiện. Và vì tin tưởng, không chút nghi ngờ, các nạn nhân đã sập bẫy lừa đảo.
Mỗi thông tin người dùng mạng xã hội tải lên mạng có thể bị người khác lấy và sử dụng vào những mục đích xấu - Ảnh: Internet |
Kịch bản lừa đảo diễn ra như: Kẻ lừa đảo tìm cách chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook của người dùng, tiếp đó thu thập hình ảnh (có thể cả giọng nói của nạn nhân từ các video) và dùng Deepfake tạo ra đoạn video mạo danh.
Sau đó kẻ lừa đảo tiến hành nhắn tin mượn tiền những người dùng trong danh sách bạn bè Facebook của nạn nhân, đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả mạo để tăng độ tin cậy nhằm lừa đảo thành công hơn.
Mấu chốt của việc lừa đảo này là để nạn nhân tin rằng bạn bè, người thân của mình đang gặp vấn đề và cần giúp đỡ, gửi tiền gấp. Với cách thức này, những người trung niên cao tuổi không để ý... chỉ nhìn thoáng qua có thể sập bẫy kẻ gian.
Nhiều người bị lừa qua cuộc gọi Deepfake
Trường hợp chị N.P.L (36 tuổi ở Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người nhà bên nước ngoài nhắn đến Facebook với nội dung nhờ chuyển tiền vào một số tài khoản 40 triệu đồng. Chị N.P.L nghĩ đây là người thân trong gia đình nên đã không chần chừ chuyển tiền ngay.
Chị N.P.L cho biết, chị nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của người nhà, bản thân cũng đã cẩn thận gọi video lại để kiểm tra thì thấy hình ảnh đúng là người nhà mình. Chị N.P.L đã tin tưởng chuyển khoản. Một thời gian sau đó, thấy trên trang cá nhân của người nhà đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick Facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Chị N.P.L gọi điện lại cho người thân, thì mới biết mình bị lừa.
Hay như tình huống của anh Đ. (42 tuổi ở Đông Anh, TP. Hà Nội) cho biết cũng bị lừa mất 20 triệu đồng bởi một cuộc gọi điện video Deepfake. Cụ thể, ngày gần đây anh có người bạn đang đi du lịch gọi video qua ứng dụng Messenger của Facebook vì có việc gấp cần tiền nên nói anh chuyển khoản ngay và nhắn số tài khoản qua Messenger. Vì tin tưởng nhìn thấy đúng hình ảnh người quen nên không nghi ngờ và chuyển tiền. Sau đó, khi người bạn gọi điện thoại nói là bị hack nick Facebook thì anh mới biết mình bị lừa mất tiền.
Cần bình tĩnh để tránh bị lừa
Các chiêu trò, hình thức lừa đảo gần đây đều không mới nhưng các đối tượng lừa đảo đã biết ứng dụng công nghệ. Từ đó khả năng thành công của các chiêu lừa đảo sẽ cao hơn và ngày càng khó lường với người dùng internet.
Tình trạng lừa đảo bằng Deepfake có thể sẽ bùng phát trong thời gian tới, bởi số tiền các đối tượng chiếm được qua mỗi vụ việc là khá lớn trong khi công sức chúng bỏ ra không nhiều.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh bị làm giả Deepfake, người sử dụng nên hạn chế chia sẻ hình ảnh hay video cá nhân lên trên mạng; đồng thời luôn bảo mật tài khoản mạng xã hội, email bằng mật khẩu có độ khó cao.
Nếu chia sẻ video hay clip trên mạng nên làm méo tiếng của mình, thay bằng tiếng robot hoặc AI voice, để tránh kẻ xấu biết giọng nói thật của mình.
Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân nâng cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội. Người dân cần bình tĩnh khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội, sau đó gọi điện thoại hoặc liên lạc trực tiếp cho người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…). Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.
Theo hãng bảo mật Kaspersky, hiện nay video Deepfake vẫn ở trong giai đoạn có thể nhận biết được nếu người xem chú ý vào các đặc điểm như: Chuyển động khuôn mặt của nhân vật thiếu cảm xúc khi nói, bị giật, thay đổi ánh sáng từ khung hình này sang khung hình khác, thay đổi tông màu da, chớp mắt một cách khác thường hoặc hoàn toàn không chớp mắt, khẩu hình và âm thanh không khớp, không nhất quán với nhau... |