A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh Hòa: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên sự thay đổi đồng bộ về nhận thức và hành vi của cả cộng đồng.

Ông Thiệu cho biết, thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số tại Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả tích cực như: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; Hạ tầng công nghệ thông tin được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển; Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính quyền số, công tác truyền thông được đẩy mạnh; Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm tăng cường; Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng...

Ngày 6/10, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phục vụ chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lần thứ I, năm 2023.
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội thảo “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phục vụ chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lần thứ I, sáng 6/10

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, mặc dù công tác bảo đảm an ninh thông tin trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng, tuy nhiên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót, sơ hở, rất dễ để các đối tượng cơ hội lợi dụng gây nguy cơ mất an ninh thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị, ban, ngành nắm giữ hệ thống thông tin quan trọng nhưng kỹ năng, ý thức bảo vệ bí mật, an ninh thông tin của một số cá nhân còn hạn chế.

"Để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, thông qua chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, đặc biệt khi Khánh Hòa đang triển khai hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị", ông Thiệu nói.

5 thông điệp về đảm bảo an toàn thông tin và chuyển đổi số

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cũng giới thiệu thông điệp của UBND tỉnh Khánh Hòa về đảm bảo an toàn thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược an ninh mạng quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của tỉnh Khánh Hòa về Chính phủ điện tử, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số và đô thị thông minh của tỉnh: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa; Nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Khánh Hòa; Nền tảng hạ tầng số; ứng dụng công dân số;... gắn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Thứ hai, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo an toàn an ninh mạng gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần đồng hành với các cơ quan, ban ngành trong cung cấp các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số, hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong quá trình triển khai thực hiện. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để các cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại gắn với phổ cập nâng cao kiến thức về an toàn, an ninh mạng, các nguy cơ, mối dọa để chủ động phòng tránh. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết