Bảo mật thông tin cá nhân thời 4.0: Tỉnh táo để không "sập bẫy"
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và Internet giúp việc lưu trữ thông tin cá nhân trên các nền tảng trực tuyến trở nên dễ dàng hơn.
Các chuyên gia thảo luận, đưa ra các giải pháp bảo mật thông tin cá nhân tại Hội thảo 'An ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số'. Ảnh: NTTU |
Trong thời gian qua, tại Việt Nam và trên thế giới, đã có không ít các vụ việc do vô ý hoặc có chủ đích đã gây rò rỉ thông tin cá nhân của sinh viên ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng sinh viên bị làm phiền bởi các cuộc gọi, thư điện tử của bên thứ ba.
Thường xuyên nhận được các số lạ gọi đến với các đầu số +573, +246... N.K.L. (sinh viên năm 2, Trường Đại học Công Thương TPHCM) hoang mang khi không biết mình đã làm gì mà nhận được hàng trăm cuộc gọi như vậy.
“Em tắt máy thì các số ấy lại gọi lần nữa, đến khi em bấm nghe thì đầu dây bên kia không nói gì rồi “tút, tút, tút”. Việc này làm phiền tới em rất nhiều”, L. cho biết.
Bên cạnh việc bị quấy rối, sinh viên còn phải đối mặt với những rủi ro lớn về tài sản và nhân thân khi thông tin cá nhân bị xâm phạm. Bởi lẽ, những nguồn thông tin cá nhân quan trọng như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, số tài khoản ngân hàng là công cụ, phương tiện để sử dụng các nền tảng công nghệ số hiện nay như ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, thương mại điện tử…
Cũng nhận được các cuộc gọi như L., tuy nhiên P.V.M., sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) lại rắc rối hơn khi đối phương biết toàn bộ thông tin cá nhân của mình để lừa đảo.
“Có lần em nhận được một cuộc điện thoại từ một người xưng là Hải, tự nhận là công an ở phường nơi em sống. Họ nói rằng thông tin của em trên phường bị sai và không thể làm định danh mức 2, họ còn đọc đúng tên của mẹ em và địa chỉ nhà em, bắt buộc em lên phường làm lại thông tin và chuyển tiền để làm online hồ sơ. Không những vậy, giọng của đối phương còn rất khó chịu, gằn giọng để nói chuyện khiến em vô cùng lo sợ”, M. nói.
Từ cuộc gọi ấy, M. đã nhờ người thân kiểm tra thông tin của em trên phường có thật sự sai như cuộc gọi không. May mắn đến với M. khi thông tin của em hoàn toàn đúng và họ xác nhận không có ai tên là Hải, làm công an ở phường. M. nhận ra đó là cuộc gọi lừa đảo nên em chặn ngay số điện thoại ấy.
Một trường hợp khác, đối tượng lừa đảo lợi dụng thói quen mua sắm trực tuyến của giới trẻ để bắt nhận đơn hàng ảo. N.T.M.A. (20 tuổi, sống tại TPHCM) cho hay, em thường đặt các “đơn online” thông qua các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Các đơn hàng đó em đều thanh toán trước, người giao hàng chỉ cần giao đến nhà và không phải trả bất cứ chi phí gì.
“Một ngày nọ, số điện thoại lạ gọi đến em tự xưng là ‘shipper’ của một dịch vụ giao hàng, họ hỏi em có ở nhà không để giao hàng. Bất ngờ hơn khi họ đọc đúng địa chỉ mà em thường đặt. Em tưởng đơn hàng bạn gửi tặng em nên bảo giao tới và bắt họ chụp người gửi em xem. Hình ảnh họ gửi rất mờ và giả nên em hơi nghi là lừa đảo”, M.A. nhớ lại.
M.A. nhanh trí gọi cho tổng đài của dịch vụ giao hàng trên, nhờ tư vấn viên kiểm tra mình có đơn hàng nào trên hệ thống không và nhận được câu trả lời rằng A. không có đơn hàng đang hoạt động.
“Cùng lúc đó, họ gọi em lần nữa, nói rằng em phải chuyển khoản 20 nghìn đồng cho họ để xuất đơn hàng trong kho rồi mới giao. Lần này em chắc chắn đây là lừa đảo nên em chặn ngay số điện thoại ấy vì không có đơn hàng nào được giao tới cách thức như vậy cả”, M.A. kể lại.
Mới đây, Hội thảo khoa học “An ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số” được tổ chức tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), nhằm chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm, thảo luận các thách thức và giải pháp trong lĩnh vực an toàn thông tin; đồng thời, nhân cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng về việc bảo mật thông tin cá nhân.
Trong tham luận tại hội thảo này, bà Lê Minh Diệu (Trường Đại học An ninh nhân dân) cho rằng, hiện nay còn xuất hiện tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo khi nạn nhân trực tiếp giao tiếp với đối tượng qua hình thức cuộc gọi trực tuyến nhưng đối tượng đội lốt, được chỉnh sửa khuôn mặt trông giống với người thân cận của nạn nhân, từ đó tiến hành hành vi phạm pháp một cách công khai.
Các cuộc gọi lừa đảo qua Zalo, Facebook ngày càng biến chuyển khó lường với sự xuất hiện của công nghệ Deepface khiến cho các nạn nhân dễ bị sa bẫy vì được mắt thấy, tai nghe bằng hình ảnh, âm thanh. Chính công nghệ này xóa nhòa ranh giới giữa thật và giả.
Từ những vấn nạn trên, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân khuyến cáo, sinh viên tuyệt đối không nên nghe các cuộc gọi lừa đảo có biểu hiện như sau: Thông báo thuê bao điện thoại chuẩn bị khóa, đề nghị làm các thủ tục để đăng ký chính chủ; thông báo cần người bán hàng online, trả tiền hoa hồng ngay trong ngày; thông báo làm các thủ tục bổ sung thông tin căn cước công dân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kiểm định xe...
“Ngoài ra, sinh viên cũng nên tránh các cuộc gọi thông báo cần người bán hàng online, trả tiền hoa hồng ngay trong ngày. Các cuộc gọi có đầu số “lạ”, không phải là đầu số +84... mà là các mã dạng +373 (Moldova), +216 (Tunisia), +240 (Equatorial Guinea), +226 (Burkina Faso)... sinh viên tuyệt đối không nên nghe. Đối với các thuê bao trả trước, nếu nghe máy sẽ bị trừ hết tiền trong thuê bao”, TS Lâm nói.
“Bản thân mỗi sinh viên nên tự bảo vệ thông tin cá nhân và tự chịu trách nhiệm khi sử dụng, cung cấp thông tin bản thân trên không gian mạng. Hạn chế đưa các thông tin quan trọng, thay đổi mật khẩu mặc định bằng các mật khẩu từ 8 ký tự trở lên, kết hợp số, chữ cái in hoa cùng các ký tự đặc biệt. Tránh kết nối wifi ở các khu vực công cộng, các địa chỉ wifi bảo mật kém. Việc sử dụng wifi tại các nhà ga, trạm xe, sân bay có thể vô tình cho các mã độc cơ hội xâm nhập và kiểm soát thông tin cá nhân trên thiết bị di động của chúng ta”. Trích tham luận của bà Lê Minh Diệu