A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ám ảnh thiết bị quay lén

Trong trường hợp trở thành nạn nhân của những trò quay lén, người dân cần bình tĩnh và nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.

Chiếc camera trong phòng tắm và nhà vệ sinh bị nữ sinh phát hiện tại khu nhà trọ của ông T.V.N. Ảnh: ITN
Chiếc camera trong phòng tắm và nhà vệ sinh bị nữ sinh phát hiện tại khu nhà trọ của ông T.V.N. Ảnh: ITN

Mặt hàng dễ kiếm

Sáng 25/6, người mẫu C.B chia sẻ trên Facebook cá nhân việc cô bị quay lén tại trường quay. Dù đã rất cẩn thận, cô và ê-kíp quay quảng cáo cho nhãn hàng đã kiểm tra kỹ nhà vệ sinh trước khi thay đồ, nhưng sau đó, nhóm phát hiện ra thiết bị camera quay lén giấu trong mặt đồng hồ đo nước ẩn sau chiếc khăn tắm.

Một sự việc tương tự khác cũng vừa được Công an quận Hà Đông, Hà Nội, công bố vào chiều 26/6. Theo đó, vào ngày 18/4, chị Y (sinh năm 2004, ở Bắc Giang) phát hiện trong nhà tắm cá nhân của phòng trọ (đang thuê của ông T.V.N tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), có lắp một camera giấu dưới đèn nhà vệ sinh. Chị Y đã lập tức trình báo sự việc với Công an quận Hà Đông.

Ngoài chị Y còn 2 người bạn khác là chị L và chị T (đều sinh năm 2004) cũng đang thuê phòng trọ của ông T.V.N.

Tại cơ quan công an, ông N khai nhận: Khoảng tháng 6/2023, xuất phát từ ham muốn của bản thân muốn xem lén người thuê phòng là nữ tắm, đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp vào phòng tắm của các phòng 401, 402 và phòng trọ tại tầng 5.

Sau đó, ông N thường xem video trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu lại trên ứng dụng của camera để xem lại. Những hình ảnh, video trên, ông N cam đoan không phát tán, chia sẻ cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội. Tại cơ quan công an, ông N đã nhận thức hành vi vi phạm của bản thân.

Công an quận Hà Đông sau đó xác định hành vi của ông N trong vụ việc nêu trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ ở mức xử lý vi phạm hành chính. Ngày 28/5, Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt đối với ông N về hành vi trên. Ông này bị phạt 12,5 triệu đồng; bị buộc hủy bỏ các video, hình ảnh lưu trong điện thoại di động cá nhân.

Theo ghi nhận, hiện nay, thiết bị quay lén được ngụy trang dưới nhiều hình dạng khác nhau, khó phát hiện như: Cây bút, cục sạc dự phòng, nút áo hay đồng hồ. Những thiết bị này được bán rộng rãi, công khai trên không gian mạng.

Chẳng hạn, trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa “Camera giấu kín”, sẽ hiển thị hàng chục hội nhóm có đông đảo người dùng tham gia đang rao bán mặt hàng này.

Điển hình, nhóm “Camera ngụy trang siêu nhỏ” có hàng chục nghìn thành viên, “Camera siêu nhỏ giấu kín - Camera ngụy trang quay lén - Máy nghe lén siêu nhỏ” có 32.100 thành viên. “Camera mini siêu nhỏ, giấu kín, định vị mini, máy ghi âm” có 13.100 thành viên…

Tương tự, trên nền tảng Google, chỉ cần nhập từ khóa “camera giấu kín” hoặc “camera đồng hồ” cũng dễ tìm thấy các website đang bán như “maynghelen.com” hay “dientutanphatvn.com”... với giá dao động từ vài trăm ngàn đến dưới 2,5 triệu đồng/chiếc.

Tại một số sàn thương mại điện tử, camera quay lén khá dễ mua khi người dùng nhập từ khóa như trên. Đáng chú ý, một số người dùng trên mạng xã hội còn đăng tải các clip dài 3 - 5 phút chia sẻ về cách lắp camera quay lén không bị phát hiện.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo các chuyên gia công nghệ, trường hợp người dân phát hiện sự bất thường hay vật thể lạ có khả năng ghi hình ở những khu vực riêng tư như: Nhà vệ sinh công cộng, phòng khách sạn, cần chủ động rời đi và ngay lập tức cảnh báo cho người xung quanh cùng quản lý của khu vực để được giải quyết. Trong trường hợp trở thành nạn nhân, người dân cần bình tĩnh và nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TPHCM, hành vi quay phim, ghi hình người khác khi chưa được sự cho phép của họ đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và sẽ phải chịu những chế tài tương xứng với mức độ vi phạm.

Cụ thể, đối với trường hợp đối tượng đã thực hiện hành vi quay lén, nhưng chưa phát tán, sử dụng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021.

Hoặc nếu cá nhân đã sử dụng, đăng tải những hình ảnh kể trên thì có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020.

Đối với chế tài hình sự, trường hợp người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất lến đến 5 năm.

Trường hợp người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy” theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 6 tháng tới 15 năm.

Ông Trần Thanh Minh - chuyên gia trong lĩnh vực camera an ninh cho biết, camera quay lén hiện nay có 2 loại: Hồng ngoại và không hồng ngoại. Vì đó, để phát hiện có bị gắn camera quay lén hay không, người dùng phải sử dụng nhiều cách khác nhau.

Đối với loại hồng ngoại, người dùng cần tắt đèn, quay camera ở những nơi nghi ngờ có thể đặt như hộc tủ, gương, móc treo đồ, ổ điện, thiết bị báo khói… Nếu phát hiện tia màu tím, chắc chắn nơi đó có camera. Ngược lại, đối với loại không hồng ngoại cần phải xem bằng mắt và sờ bằng tay.

“Ngoài ra có thể bật wifi hoặc Bluetooth để xem thiết bị có đang gợi ý kết nối thiết bị bất thường nào không. Khi cảm thấy không an toàn, người dùng nên rời khỏi đó để tránh bị ghi hình, lộ ảnh nhạy cảm”, ông Minh cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...