Bão số 3 mạnh cấp 10 trên Biển Đông
Bão Ma-on đã tiến vào Biển Đông và có thể đạt cường độ mạnh nhất lên tới cấp 11, giật cấp 14. Hoàn lưu sau bão khả năng gây ra mưa rào và dông ở miền Bắc trong hai ngày.
Sáng 24/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Ma-on đã di chuyển vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm.
Lúc 4h, tâm bão nằm trên khu vực phía đông bắc Biển Đông, cách Hong Kong khoảng 630 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.
Ngày và đêm nay, hình thái này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h. Rạng sáng 25/8, tâm bão nằm trên khu vực bắc Biển Đông, cách Hong Kong khoảng 190 km về phía nam tây nam. Sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14. Đây là thời điểm bão mạnh nhất.
Bão sau đó giữ hướng đi và vận tốc, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi của bão số 3 cho thấy hoàn lưu sau bão ảnh hưởng đến một phần khu vực miền Bắc nước ta. Ảnh: VNDMS.
Vùng nguy hiểm trong 24-48 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 19 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 108 đến kinh tuyến 116,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Cơ quan khí tượng Hong Kong nhận định thời điểm nằm trên đất liền Trung Quốc vào ngày 25/8, vùng gần tâm bão vẫn duy trì sức gió mạnh nhất 65 km/h, tương đương cấp 8, giật cấp 10.
Sau thời điểm này, bão đi chếch theo phía tây nhiều hơn. Do đó, vùng ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão có thể bao trùm một phần miền Bắc nước ta, bao gồm các tỉnh, thành phố Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.
Tương tự, cơ quan khí tượng Nhật Bản đưa ra dự báo bão duy trì cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 khi áp sát đất liền Trung Quốc ngày 25/8. Hình thái này sau đó suy yếu nhanh và một phần khu vực Bắc Bộ nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo đường đi của bão Ma-on trên Biển Đông. Ảnh: JMA.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết khi vào Biển Đông, bão Ma-on còn chịu ảnh hưởng và tương tác của địa hình nên cường độ, hướng di chuyển có thể thay đổi nhiều do khả năng tái cấu trúc của bão.
Dự báo ban đầu cho thấy sau khi vào Biển Đông, bão có khả năng tái cấu trúc và mạnh thêm, đi chủ yếu theo hướng tây tây bắc và tiến về phía đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với xác suất 75-80%.
Tác động đáng lưu ý của bão là gây gió mạnh, sóng lớn ở khu vực bắc Biển Đông. Trong đó, vùng biển của quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, sóng cao 6-8 m.
Trên đất liền, cơ quan khí tượng cho biết hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão Ma-on có thể gây ra mưa lớn ở Bắc Bộ từ tối 25/8 kéo dài đến ngày 27/8.
Tại Hà Nội, bản đồ dự báo cho thấy khu vực tiếp diễn nắng nóng trong ngày 26/8 khi nhiệt độ cao nhất đạt ngưỡng 35 độ C. Tuy nhiên, mưa dông có thể xuất hiện bất chợt trong ngày, tập trung vào trưa hoặc chiều.
Ngày 25-26/8, nền nhiệt tại Hà Nội giảm khoảng 2 độ C so với trước đó, duy trì ngưỡng 26-33 độ C nên không quá oi nóng. Giai đoạn này, khu vực có thể chịu ảnh hưởng từ hoàn lưu sau bão gây ra mưa rào và dông.